Thứ Ba , 23 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Các bệnh Ung thư Ung thư trẻ em U tế bào thần kinh đệm thân não ở trẻ em: Chẩn đoán

U tế bào thần kinh đệm thân não ở trẻ em: Chẩn đoán

Bài viết thứ 8 trong 9 bài thuộc chủ đề U tế bào thần kinh đệm thân não ở trẻ
 

Biên dịch: Trương Lê Thùy Nguyên

Bài viết này giới thiệu một số thông tin cơ bản về các xét nghiệm, thủ thuật và chẩn đoán mà các bác si thường dùng để tìm hiểu nguyên nhân của một vấn đề y khoa. Sử dụng mục lục để xem các bài viết khác.

Các bác sĩ sử dụng nhiều loại xét nghiệm để tìm kiếm hoặc chẩn đoán bệnh u tế bào thần kinh đệm thân não hoặc để đánh giá sự lan tràn của ung thư sang các bộ phận khác của cơ thể (gọi là di căn). Ví dụ chẩn đoán hình ảnh giúp khảo sát các cơ quan trong cơ thể và có thể phát hiện được nếu ung thư đã lan rộng. Các bác sĩ cũng có thể làm các xét nghiệm khác để giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Đối với hầu hết các khối u, sinh thiết là phương pháp duy nhất giúp chẩn đoán chính xác ung thư. Khi sinh thiết, bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ để phân tích trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, u tế bào thần kinh đệm thân não lan toả không giống các khối u khác, người ta thường chẩn đoán bệnh này bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI).

Dưới đây là các xét nghiệm được lựa chọn giúp chẩn đoán bệnh u tế bào thần kinh đệm thân não. Chú ý là không phải tất cả các xét nghiệm bên dưới sẽ được sử dụng cho tất cả các bệnh nhân. Bác sỹ điều trị ung thư sẽ lựa chọn các xét nghiệm chẩn đoán dựa trên các yếu tố sau:

  • Loại khối u nghi ngờ
  • Các dấu hiệu và triệu chứng của trẻ
  • Tuổi và tổng trạng sức khỏe của trẻ
  • Các kết quả xét nghiệm trước đó

Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán xác định bệnh u tế bào thần kinh đệm thân não:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): là phương pháp sử dụng từ trường (chứ không phải tia X) để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Bệnh nhân được tiêm hoặc uống một loại chất nhuộm gọi là thuốc cản từ trước khi chụp để kết quả hình ảnh rõ nét hơn.
Xem thên bài: Chụp cộng hưởng từ (MRI Scan) 
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT): là việc ghi lại các hình ảnh bên trong cơ thể bằng cách sử dụng tia X ở các góc chụp khác nhau. Máy tính sẽ kết hợp những hình ảnh này lại thành hình ảnh 3 chiều chi tiết có thể giúp nhận ra các bất thường hoặc khối u. Chụp CT có thể được sử dụng để đo kích thước của khối u. Thỉnh thoảng, chất cản quang được sử dụng để các hình ảnh rõ ràng hơn. Bệnh nhân sẽ được tiêm hoặc uống thuốc cản quang trước khi chụp . Đối với bệnh u tế bào thần kinh đệm thân não, xét nghiệm này thường không cung cấp đủ thông tin giúp chẩn đoán xác định, vì thế chụp MRI là cần thiết.
  • Sinh thiết: Là dùng một phần nhỏ của khối u để kiểm tra dưới kính hiển vi. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ cắt một mẫu mô nhỏ từ khối u. Sau đó, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ phân tích mẫu mô này (Bác sĩ giải phẫu bệnh là người có kiến thức chuyên môn sâu trong việc phân tích các tế bào, mô và các cơ quan trong cơ thể, giúp chẩn đoán xác định bệnh). Nhìn chung, kỹ thuật này thường nên tránh thực hiện đối với trẻ em mắc bệnh u tế bào thần kinh đệm thân não lan tỏa vì kết quả sinh thiết không làm thay đổi lựa chọn điều trị và quá trình sinh thiết tế bào thân não chứa nhiều rủi ro nguy hiểm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng kỹ thuật này cũng được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng hoặc khi khối u có những đặc điểm bất thường. Bằng cách kiểm tra một phần khối u được lấy ra khi sinh thiết, các bác sĩ có thể tìm thấy một số đặc điểm phân tử của tế bào, điều này có thể giúp lựa chọn kế hoạch điều trị. Đối với khối u khu trú, kỹ thuật sinh thiết thường được sử dụng để xác định loại khối u.

Sau khi có các kết quả xét nghiệm, bác sĩ điều trị sẽ tổng hợp và tư vấn cho người nhà bệnh nhân về tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu chẩn đoán xác định là u tế bào thần kinh đệm thân não, các kết quả xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định giai đoạn bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Phần tiếp theo trong hướng dẫn này là Phân độ và giai đoạn bệnh, giải thích một cách hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá bệnh. Sử dụng menu để chọn đọc một phần khác trong hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

Brain Stem Glioma – Childhood: Diagnosis