Thứ Sáu , 22 Tháng Ba 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Các bệnh Ung thư Ung thư trẻ em U tế bào thần kinh đệm thân não ở trẻ em: Chăm sóc theo dõi

U tế bào thần kinh đệm thân não ở trẻ em: Chăm sóc theo dõi

Bài viết thứ 9 trong 9 bài thuộc chủ đề U tế bào thần kinh đệm thân não ở trẻ
 

Bài viết này giới thiệu một số thông tin cơ bản về chăm sóc y tế và theo dõi cho trẻ em sau khi kết thúc điều trị ung thư và tầm quan trọng của việc này. Sử dụng mục lục để xem các bài viết khác.

Việc chăm sóc cho trẻ mắc ung thư không chỉ dừng lại sau khi điều trị tích cực kết thúc mà cần tiếp tục kiểm tra để đảm bảo khối u không tái phát, kiểm soát các tác dụng phụ và theo dõi sức khỏe toàn diện cho trẻ. Quá trình này được gọi là chăm sóc theo dõi. Tất cả trẻ em đã được điều trị u tế bào thần kinh đệm thân não phải được chăm sóc theo dõi suốt đời.

Chăm sóc theo dõi có thể gồm thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng hoặc cả hai. Bác sĩ muốn theo dõi sự phục hồi của trẻ trong nhiều tháng và nhiều năm tiếp theo. Tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của việc chăm sóc theo dõi.

Theo dõi tái phát

Một trong những mục tiêu của chăm sóc theo dõi là đánh giá tái phát. Khối u tái phát do một số tế bào ung thư trong cơ thể vẫn chưa bị phát hiện. Theo thời gian, các tế bào này gia tăng số lượng cho đến khi chúng biểu hiện trên kết quả xét nghiệm hoặc gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng lâm sàng.

Trong quá trình chăm sóc theo dõi, một bác sĩ nắm rõ bệnh sử của trẻ có thể cung cấp thông tin về nguy cơ tái phát. Bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi cụ thể về tình trạng sức khỏe của trẻ. Một số trẻ có thể được chỉ định làm các xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh như một phần của việc chăm sóc và theo dõi thường xuyên sau điều trị. Việc lựa chọn xét nghiệm nào phụ thuộc vào một số yếu tố như loại, giai đoạn của khối u được chẩn đoán ban đầu và các phương pháp điều trị đã được áp dụng.

Trước bài kiểm tra tiếp theo hoặc khi chờ kết quả xét nghiệm, việc phỏng đoán có thể gây căng thẳng cho trẻ và gia đình. Điều này được gọi là “chứng sợ kiểm tra”. Tìm hiểu thêm về cách đối phó với loại căng thẳng này ở đây.

Kiểm soát tác dụng phụ dài hạn và muộn

Đôi khi các tác dụng phụ có thể kéo dài sau giai đoạn điều trị ban đầu. Chúng được gọi là tác dụng phụ dài hạn. Ngoài ra, còn có các tác dụng phụ khác được gọi là tác dụng phụ muộn, có thể xảy ra vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau điều trị. Các tác dụng phụ muộn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trong cơ thể. Chúng bao gồm các vấn đề về thể chất, như tim, phổi, và mắc loại ung thư mới; các vấn đề về cảm xúc như lo lắngtrầm cảm; vấn đề về nhận thức (trí nhớ, suy nghĩ và sự tập trung chú ý) và khó khăn trong học tập.

Xem thêm bài viết Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trong quá trình điều trị ung thư

Dựa trên phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ đề nghị thăm khám và tiến thành các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra tác dụng phụ muộn. Dưới đây là các tác dụng muộn tùy thuộc vào từng loại điều trị:

  • Theo thời gian, xạ trị não và cột sống có thể gây ra các triệu chứng về nhận thức và nội tiết (hóc-môn). Mức độ nghiêm trọng của những tác dụng phụ muộn này khác nhau tùy thuộc vào liều tia xạ và tuổi của trẻ.
  • Các rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn do phẫu thuật rất khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và đặc điểm của khối u.
  • Nguy cơ của hóa trị liệu và khả năng mắc phải ung thư thứ phát phụ thuộc rất nhiều vào các loại thuốc và liều lượng sử dụng.

Cần phải thảo luận với bác sĩ chuyên khoa về đặc điểm của khối u và phác đồ điều trị cho trẻ trước, trong và sau khi điều trị để nắm được các tác dụng phụ dài hạn và muộn của tất cả các phương pháp điều trị. Quá trình chăm sóc theo dõi phải quan tâm tới chất lượng cuộc sống của trẻ, bao gồm mọi vấn đề về phát triển và cảm xúc.

Nhóm Ung thư trẻ em Hoa Kì (COG) đã nghiên cứu các tác động về thể chất và tâm lý mà những trẻ sống sót sau ung thư phải đối mặt. Từ đó, COG đã khuyến nghị chăm sóc theo dõi lâu dài cho những người sống sót sau ung thư ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Có thể tìm thấy các khuyến nghị đó ở trang web: www.survivocateguferences.org.

Lưu giữ hồ sơ sức khỏe cá nhân cho trẻ

Phụ huynh được khuyến khích sắp xếp và lưu giữ hồ sơ y tế cá nhân cho trẻ. Bác sĩ sẽ hỗ trợ gia đình làm điều này. Bằng cách này, khi lớn lên, trẻ sẽ có hồ sơ bằng văn bản rõ ràng về bệnh sử, chẩn đoán, phương pháp điều trị và các khuyến nghị của bác sĩ về lịch trình chăm sóc. ASCO sẽ hỗ trợ tạo ra một bản tóm tắt điều trị để theo dõi quá trình điều trị và xây dựng kế hoạch chăm sóc khi điều trị kết thúc thành công.

Một số trẻ tiếp tục gặp bác sĩ chuyên khoa ung thư, trong khi số khác được chuyển cho bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác. Quyết định này phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại và giai đoạn của khối u, các tác dụng phụ, quy định của bảo hiểm y tế và nguyện vọng của gia đình. Hãy thảo luận với nhóm chăm sóc sức khỏe về điều trị y tế lâu dài hay bất kỳ mối quan tâm nào của gia đình về sức khỏe trong tương lai của trẻ.

Nếu bác sĩ chăm sóc theo dõi không phải là bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh u tế bào thần kinh đệm thân não cho trẻ, hãy chia sẻ bản tóm tắt điều trị và kế hoạch chăm sóc vượt qua bệnh tật với bác sĩ đó cũng như tất cả các nhóm chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Chi tiết về phương pháp điều trị rất có giá trị đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong suốt cuộc đời.

Phần tiếp theo trong hướng dẫn này là Sự vượt qua bệnh tật, mô tả cách đối phó với những thách thức trong cuộc sống hàng ngày sau khi trẻ được chẩn đoán u tế bào thần kinh đệm thân não. Hãy sử dụng mục lục để tham khảo các phần khác trong hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

Brain Stem Glioma – Childhood: Follow-Up Care