Thứ Năm , 25 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên ngành Ngoại khoa Chăm sóc trước và sau phẫu thuật Các thông tin dành bệnh nhân trước khi chuẩn bị phẫu thuật

Các thông tin dành bệnh nhân trước khi chuẩn bị phẫu thuật

Bài viết thứ 6 trong 6 bài thuộc chủ đề Chăm sóc trước và sau phẫu thuật
 

Sự khác biệt giữa phẫu thuật ngoại trú và phẫu thuật nội trú là gì?

Phẫu thuật ngoại trú, còn được gọi là phẫu thuật trong ngày, không cần phải ở lại bệnh viện qua đêm, nghĩa là bạn có thể về nhà trong ngày nếu tình trạng sức khỏe của bạn ổn định. Bạn sẽ cần ai đó đưa bạn về nhà. Phẫu thuật ngoại trú có thể được thực hiện tại bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, trung tâm phẫu thuật, hoặc phòng khám.

Phẫu thuật nội trú được thực hiện tại bệnh viện và yêu cầu bệnh nhân phải ở lại qua đêm.

Chuẩn bị phẫu thuật

Chuẩn bị phẫu thuật (Nguồn ảnh: alive.com )

Những chuyên gia chăm sóc sức khỏe nào sẽ tham gia vào ca phẫu thuật?

Trung tâm chăm sóc sức khỏe của bạn chỉ định một nhóm các chuyên gia sẽ phối hợp làm việc cùng nhau để chăm sóc cho bạn trước, trong, và sau phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, y tá sẽ hỗ trợ bác sĩ, thực hiện một số thủ thuật chuyên môn đặc biệt, và giúp cho  bạn  thoải mái hơn. Có thể có thêm một bác sĩ nội trú hỗ trợ trong quá trình phẫu thuật. Bác sĩ gây mê là người chịu trách nhiệm gây mê và kiểm tra hiệu quả của việc gây mê

Tôi cần phải làm gì để ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ?

  • Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ hút thuốc trước khi phẫu thuật. Gây mê toàn thân ảnh hưởng đến chức năng bình thường của phổi.
  • Nếu bạn đang dùng một loại thuốc nào đấy, hãy hỏi bác sĩ liệu bạn có nên tiếp tục dùng thuốc trước hoặc sau phẫu thuật hay không. Phải đảm bảo rằng bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn biết tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, kể cả thuốc kê đơn và các thuốc không kê đơn như vitamin, thảo dược, và các chất bổ sung khác.
  • Cần theo một chế độ ăn uống đặc biệt trước khi phẫu thuật nếu bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn đề nghị.
  • Nếu bạn có bệnh tiểu đường, cần kiểm soát đường máu trước khi phẫu thuật, điều này tạo điều kiện để vết thương mau lành hơn.

Kiểm tra tiền phẫu cần làm những gì?

Một hoặc hai tuần trước khi phẫu thuật, bạn có thể cần phải kiểm tra tổng quát toàn thân, bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp X-quang ngực, và điện tâm đồ. Điện tâm đồ là một xét nghiệm chức năng tim bằng một lọai máy, nó  có thể in ra kết quả dưới dạng như một đồ thị.

Cần thiết chuẩn bị những gì trước khi phẫu thuật?

Tùy thuộc vào loại phẫu thuật, bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể yêu cầu bạn sử dụng thuốc nhuận tràng và chỉ ăn nhẹ. Không được uống rượu trong 24 ​​giờ trước khi phẫu thuật. Trong một số loại phẫu thuật, có khi trước phẫu thuật một hoặc hai ngày, bạn cần phải sử dụng một loại dung dịch thụt rửa tại nhà.

Tôi cần phải làm gì trong ngày phẫu thuật?

Trước khi phẫu thuật, bạn cần phải tẩy hết sơn móng tay hay móng tay giả, không trang điểm và không đeo bất kì loại trang sức nào. Nếu bạn ở lại bệnh viện qua đêm, cần mang theo một số vật dụng cần thiết, bao gồm cả hộp kính, kính áp tròng, hoặc răng giả.

Bạn sẽ nhận được một chiếc vòng tay có đầy đủ thông tin cá nhân như tên của bạn, ngày sinh, và tên bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn (Thông tin theo Bệnh viện ở nước ngoài – Tại Việt Nam đa số các bệnh viện chưa có).

Bạn sẽ được hỏi về các bệnh sử cá nhân và các loại dị ứng như dị ứng thuốc, dị ứng với thức ăn hoặc latex (một vài loại găng tay phẫu thuật được làm bằng latex). Ngoài ra, cần biết rõ các loại thuốc mà bạn đang dùng, bác sĩ sẽ hỏi bạn những loại thuốc này.

Những gì thường được chuẩn bị trước giờ phẫu thuật?

Bạn cần thay trang phục hàng ngày bằng một chiếc áo choàng bệnh viện và có thể kèm theo mũ. Các chuyên gia có thể sẽ thực hiện một số bước để  ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu. Người ta sẽ phát cho bạn một loại vớ đặc biệt, hoặc một thiết bị có thể bơm phồng đặt trên chân của bạn. Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng thuốc để làm giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Bạn sẽ được đưa đến một khu vực để chờ đợi cho đến khi ê kíp phẫu thuật đã chuẩn bị sẵn sàng. Bệnh viện sẽ xác nhận tên, ngày sinh, và loại phẫu thuật trước khi bạn đi đến phòng mổ.

Nếu phẫu thuật chỉ thực hiện ở một bên cơ thể, người ta sẽ sử dụng một loại bút đặc biệt để đánh dấu bên cần mổ. Bác sĩ gây mê sẽ  thảo luận phương pháp gây mê cho bạn trong quá trình phẫu thuật. Một ống truyền tĩnh mạch sẽ được đặt vào tĩnh mạch cánh tay hoặc cổ tay để cung cấp cho cơ thể bạn các loại dịch, thuốc, hoặc máu trong và sau khi phẫu thuật. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn dùng một số loại thuốc  để giúp bớt căng thẳng.Bạn cũng được chỉ định một số loại thuốc khác như kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Điều gì sẽ xảy ra khi tôi ở trong phòng mổ?

Sau khi được đưa vào phòng mổ, bạn sẽ được chuyển đến bàn mổ. Các loại máy theo dõi sẽ được gắn vào nhiều bộ phận trên cơ thể của bạn để đo mạch, nồng độ oxy, và huyết áp.

Ê kíp phẫu thuật có thể sẽ hỏi tên, ngày sinh, và loại phẫu thuật của bạn lại một lần nữa. Các bác sĩ sẽ đánh giá lại bệnh án và các xét nghiệm lần cuối trước khi phẫu thuật.

Nếu cần gây mê toàn thân cho bạn, người ta sẽ truyền thuốc mê qua đường tĩnh mạch và sẽ đặt catheter trong bàng quang để dẫn nước tiểu sau khi bạn đã mê.

Tôi nên mong đợi điều gì khi phẫu thuật kết thúc?

Sau khi phẫu thuật kết thúc, bạn sẽ được chuyển vào phòng hồi sức. Phòng này được trang bị đầy đủ thiết bị để theo dõi bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

Nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy chếnh choáng, lẫn lộn và ớn lạnh khi họ tỉnh dậy sau phẫu thuật. Có thể có đau cơ hoặc cơn đau họng ngắn ngay sau khi phẫu thuật. Các cơn đau này  không nên kéo dài, bạn có thể yêu cầu thuốc giảm đau. Bạn sẽ ở lại phòng hồi sức cho đến khi tình trạng sức khỏe ổn định.

Y tá của bạn sẽ để bạn tự vận động càng sớm càng tốt. Người ta khuyên bạn nên ra khỏi giường và đi bộ xung quanh sau khi phẫu thuật. Ban đầu có thể bạn còn yếu và cảm thấy mệt mỏi. Bạn càng tự vận động sớm thì chức năng cơ thể càng có thể trở lại bình thường sớm.

Tôi cần phải biết những điều gì trước khi về nhà?

Trước khi rời bệnh viện, y tá hoặc bác sĩ chăm sóc sức khỏe sẽ hướng dẫn cho bạn về chế độ ăn uống, sử dụng thuốc, và cách chăm sóc vết mổ. Bác sĩ còn cho bạn biết những việc hay các hoạt động bạn nên tránh và nên tránh trong bao lâu. Bạn nên biết khi gặp những vấn đề gì thì cần gọi cho bệnh viện và cần phải gặp ai để có thể tư vấn về các vấn đề đó, như sốt hay tăng chảy máu âm đạo.

Cần bao lâu để phục hồi?

Nếu bạn vừa trải quá một ca phẫu thuật lớn, rất có thể sẽ mất một tháng hoặc hơn trước khi bạn có thể quay lại lịch sinh hoạt bình thường. Phẫu thuật nhỏ thì đòi hỏi ít thời gian phục hồi hơn, nhưng bạn vẫn cần phải giảm một số hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định.

Giải thích thuật ngữ

  • Gây mê : giảm đau bằng cách làm mất cảm giác.
  • Kháng sinh : Thuốc điều trị nhiễm trùng.
  • Catheter : Một ống thông được sử dụng để dẫn nước tiểu hoặc dịch cơ thể ra ngoài.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu : Một bệnh mà trong đó một cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân hoặc các phần khác của cơ thể.
  • Bệnh tiểu đường : Một bệnh mà nồng độ đường trong máu rất cao.
  • Gây mê toàn thân : Sử dụng các loại thuốc mê tạo ra một trạng thái giống như ngủ để làm mất các cơn đau trong phẫu thuật.
  • Glucose : Một loại đường có trong máu và là nguồn năng lượng chính của cơ thể

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq080.ashx