Thứ Tư , 1 Tháng Năm 2024
Trang chủ Góc nhìn Uống sữa – Tiêu hoá sữa – câu chuyện dài của tiến hoá

Uống sữa – Tiêu hoá sữa – câu chuyện dài của tiến hoá

Bài viết thứ 19 trong 21 bài thuộc chủ đề Các bài viết tổng hợp từ Fanpage Từ SINH HỌC đến SỨC KHỎE
 

Bây giờ nhiều người trong chúng ta dễ dàng tận hưởng một ly kem hay sữa tươi. Nhưng tổ tiên của chúng ta 10.000 năm trước thì không, họ hoàn toàn không thể tiêu hoá sữa (các phương pháp lên men sữa cũng chưa phát triển). Tuy nhiên, hiện nay không phải ai cũng có may mắn đó. Gần 2/3 số người trưởng thành trên thế giới chủ yếu là người vùng Đông Á và Nam Phi, ít nhiều bị hội chứng không dung nạp lactose (lactose intolerance).

Tuy nhiên, khi mới lọt lòng, từ các loài thú đến con người, ai mà chẳng uống sữa mẹ để tồn tại, từ vài tháng đến vài năm? Nhưng rồi khi trưởng thành, con người lại mất khả năng tiêu hoá sữa? Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Khi đi vào hệ tiêu hoá, đường lactose trong sữa phải được một enzyme đặc biệt, gọi là lactase, ở ruột non, phân giải thành đường glucose và galactose rồi mới được hấp thu vào cơ thể. Nếu thiếu enzyme lactase, đường lactose sẽ đi thẳng xuống ruột già và bị một tập đoàn vi khuẩn ở đó xử lý. Đây là nguồn cơn tạo ra hiện tượng đầy hơi, trướng khí, tiêu chảy,… ở những người bị hội chứng không dung nạp lactose.

Mẹ “tự nhiên” cũng hơi “keo kiệt”, khi con con cai sữa mẹ, khi em bé bỏ bú, thì enzyme lactase “bỗng dưng” biến mất! Cơ thể không thể sản xuất được lactase nữa. Vì vậy khi trưởng thành, tổ tiên chúng ta không cách gì uống sữa được nữa. Có thể đây là một cách để con mẹ cách ly với con con hoàn toàn để đi vào chu kỳ sinh sản mới nhanh hơn.

Mọi việc cứ diễn ra như thế, cho đến khi con người xuất hiện, rồi Cách mạng nông nghiệp diễn ra. Con người thuần phục và nuôi được nhiều động vật cho sữa như bò, cừu, dê,… Sữa trở thành nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng lại không sử dụng được, trừ khi phải lên men thành sữa chua và pho-mai.

Các nghiên cứu kết hợp giữa khảo cổ học và di truyền học cho thấy khoảng 8000 năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi những đàn gia súc gia cầm được thuần hoá và nuôi dưỡng nhiều, xuất hiện đột biến trên gene điều hoà sản xuất lactase cho phép enzyme này tiếp tục được tạo ra ở người Yamnaya trưởng thành. Sự xuất hiện và lan rộng của đột biến gene tạo lactase này đặc biệt phổ biến trong những nhóm người nuôi và chăn thả gia súc nhiều như người Trung Đông, châu Âu,… và hiếm trong những nhóm người ít phát triển chăn nuôi gia súc như người vùng Đông Á, Nam Phi.

Xem thêm bài Khi nào men vi sinh có hiệu quả

Tuy nhiên, dù uống được sữa, có thêm nguồn dinh dưỡng, có thêm lợi thế, nhưng nếu sống trong điều kiện thực phẩm đầy đủ, mùa màng tươi tốt thì lợi thế này cũng không có gì to tát. Gene đột biến, tạo ra đặc điểm mới này không được lan rộng.

Khi người Yamnaya di cư dần lên phía Bắc châu Âu, nơi khí hậu lạnh hơn, thực phẩm eo hẹp, dễ mất mùa, thì sữa trở thành nguồn thực phẩm cực kì quan trọng. Hơn nữa, khí hậu lạnh làm sữa cũng khó lên men hơn. Dưới áp lực đó, khả năng tiêu thụ sữa trở thành một lợi thế cực kì to lớn. Ai sống sót được nhờ sữa, người đó tồn tại và gene của họ được truyền tiếp cho thế hệ sau. Giống như trong cuốn Gene vị kỉ, Dawkins đã viết: “Cá thể thì không ổn định mà chỉ là thoáng qua. Nhiễm sắc thể cũng bị xáo trộn rồi đi vào quên lãng, giống như những lá bài sau khi được chia xong. Nhưng tự các lá bài thì vẫn còn đó sau khi xáo. Các lá bài ấy chính là các gene. Gene là bất tử”.

Bản đồ phân bố hội chứng Không dung nạp sữa trên thế giới.

Hình: Bản đồ phân bố hội chứng Không dung nạp sữa trên thế giới.

Ngoài ra, sữa còn là nguồn cung cấp Vitamin D và canxi cho những người vùng Bắc Âu, nơi mật độ ánh sáng thấp và thường thiếu Vitamin D. Dù những cách giải thích này khá hợp lý, nhưng vẫn chưa lý giải được hoàn toàn tại sao đột biến tạo lactase ở người trưởng thành lại phát tán rộng và nhanh như vậy trong quần thể con người. Một vài cách giải thích khác vẫn còn tiếp tục được đề xuất và kiểm chứng.

Có một vài ngoại lệ khá thú vị, một trong số đó là người Mông Cổ. Khi người Yamnaya di cư sang phía đông, mang theo văn hoá sử dụng sữa đến cho các tộc người Mông Cổ du mục, nhưng lại không truyền đột biến tạo lactase đó cho họ. Thành ra, trên các đồng cỏ mênh mông, người Mông cổ nuôi rất nhiều gia súc, sử dụng rất nhiều sản phẩm từ sữa, nhưng hầu hết vẫn bị hội chứng không dung nạp lactose! Ngược lại, người Mông Cổ lại rất thành công trong việc sử dụng vi sinh vật để lên men sữa cho họ.

Tài liệu tham khảo

  1. Lactose intolerance
  2. Absence of the lactase-persistence-associated allele in early Neolithic Europeans
  3. Early Mongolians ate dairy, but lacked the gene to digest it
  4. https://en.wikipedia.org/wiki/Yamnaya_culture