Thứ Hai , 29 Tháng Tư 2024
Trang chủ Các loại xét nghiệm Khí máu động mạch

Khí máu động mạch

Bài viết thứ 37 trong 38 bài thuộc chủ đề Các loại xét nghiệm
 

Biên dịch: Bs Trần Trọng Anh Tuấn

Hiệu đính: Bs Võ Phạm Minh Thư

Máu là một chất lỏng không ngừng chuyển động và là nơi diễn ra rất nhiều phản ứng sinh – hóa học tạo ra nhiều chất hoá học có tính toan và kiềm.

Những chất toan và kiềm này phải ở trạng thái cân bằng chặt chẽ nếu không sẽ dẫn đến sự chết tế bào. Cơ thể có nhiều cơ chế để thích ứng với những thay đổi về toan kiềm, trong đó nổi bật nhất là cơ chế bù trừ của phổi và thận.

pH máu là gì?

pH là thang đo độ toan hoặc kiềm của một chất. pH bằng 7 là môi trường trung tính, nghĩa là toan và kiềm cân bằng với nhau. Khi có nhiều chất toan, chỉ số này sẽ giảm; khi có nhiều chất kiềm, chỉ số này sẽ tăng. pH máu bình thường khoảng 7,4 và được duy trì trong một khoảng khá hẹp (7,35 – 7,45). Sự ổn định  này là nhờ những chất đệm có trong máu. Khi độ pH thay đổi, cơ thể sẽ có một đáp ứng nhanh chóng để đưa pH trở về bình thường như là bằng cách thay đổi nhịp thở hoặc thay đổi tính chất của nước tiểu thông qua thận. Đo các chỉ số của khí máu động mạch (ABGs – Arterial Blood Gases) bằng máu lấy từ động mạch (thường gặp nhất là từ động mạch nảy nơi cổ tay). Mẫu máu sẽ được phân tích bằng máy chuyên dụng.

Khi nào cần lấy khí máu động mạch?

Khí máu động mạch được sử dụng trong rất nhiều trường hợp như sau:

  • Suy hô hấp – ví dụ, trong cơn hen cấp, viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease – COPD).
  • Các bệnh lý nặng có thể gây ra sự tích tụ chất toan, như: du khuẩn huyết hay nhiễm trùng huyết; Suy cơ quan, như suy tim, suy gan, tổn thương thận cấp và mạn tính; Đái tháo đường nhiễm toan ceton; Suy đa cơ quan; Bỏng; Ngộ độc.
  • Bệnh nhân thông khí nhân tạo.
  • Bệnh nhân nặng bất kể nguyên nhân – khí máu cung cấp thông tin cho việc tiên lượng.

Khí máu động mạch

Khí máu được lấy như thế nào?

  • Máu động mạch được lấy bằng kim tiêm và bơm tiêm xuyên vào động mạch – thường ở động mạch quay ở cổ tay.
  • Không cần garot.
  • Đôi khi cần sử dụng thuốc tê tại chỗ.
  • Mẫu khoảng 1ml là đủ.
  • Những vị trí khác thay thế cho động mạch quay là động mạch đùi ở bẹn và động mạch cánh tay ở khuỷu. Những vị trí này thường dùng trong trường hợp cấp cứu.
  • Nếu cần nhiều mẫu thì có thể đặt một ống nhựa vào động mạch quay ở cổ tay.
  • Sau khi lấy mẫu, đè chặt vào vị trí lấy ít nhất hai phút (lâu hơn nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc ảnh hưởng đến quá trình đông máu).

Khí máu động mạch cung cấp những thông tin gì?

  • pH máu (bình thường 7,35 đến 7,45) – cao hơn cho thấy có tình trạng nhiễm kiềm, thấp hơn cho thấy tình trạng nhiễm toan.
  • Mức carbon dioxide trong máu (PaCO2; bình thường 4,7 đến 6,5 KPa) – điều này có thể cho thấy bất thường về hô hấp.
  • Mức bicarbonate máu (cho thấy mức kiềm của cơ thể, bình thường 22 đến 26 mEq/L).
  • Mức oxy máu (PO2; bình thường 10,5 đến 13,5 KPa) – Nếu mức PO2 thấp, gợi ý tình trạng giảm độ bão hòa oxy trong máu (thiếu oxy).

Khí máu động mạch

Những bất thường khí máu động mạch thường gặp nhất là gì?

Khí máu thường thể hiện bất thường liên quan đến tình trạng thừa toan. Điều này có thể gặp trong trường hợp phổi không hoạt động tốt (gọi là toan hô hấp) hoặc do tích tụ toan từ nguyên nhân chuyển hóa, thường do mô thiếu oxy (gọi là toan chuyển hóa). Những bất thường khác và nguyên nhân được liệt kê dưới đây. Đôi khi có thể có nhiều yếu tố gây nên bất thường và gây ra bất thường hỗn hợp.

Nguyên nhân toan chuyển hóa

  • Tích tụ acid lactic: gặp trong choáng, nhiễm trùng, thiếu oxy.
  • Tổn thương thận cấp và mạn.
  • Tích tụ ceton: gặp trong đái tháo đường, ngộ độc rượu.
  • Những thuốc và chất độc: salicylate, metformin, ethylene glycol, methanol, cyanide.
  • Tiêu chảy nặng.

Nguyên nhân gây kiềm chuyển hóa

  • Nôn ói.
  • Hạ kali máu – ví dụ, do sử dụng lợi tiểu.
  • Dùng quá nhiều thuốc chứa kiềm, ví dụ trong rối loạn tiêu hóa dư acid.
  • Bỏng.

Nguyên nhân gây toan hô hấp

  • Cấp:

Rối loạn trung tâm hô hấp do đột quỵ.

Mất khả năng thông khí do bệnh thần kinh cơ – ví dụ, nhược cơ, hội chứng Guillain-Barré, teo cơ.

Cơn hen cấp hoặc đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

  • Mạn: Ví dụ, COPD, hội chứng giảm thông khí do béo phì (hội chứng Pickwickian).

Nguyên nhân gây kiềm hô hấp

  • Tăng thông khí – ví dụ, lo âu, đột quỵ, viêm màng não, do độ cao, thai kỳ.

Điều trị rối loạn khí máu động mạch như thế nào?

Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân nền tảng. Ví dụ, nếu du khuẩn huyết/nhiễm khuẩn huyết là nguyên nhân thì bệnh nhân cần kháng sinh và dịch truyền đường tĩnh mạch. Nếu do suy cơ quan thì điều trị nâng đỡ cơ quan là cần thiết.

Tài liệu tham khảo

  1. https://patient.info/treatment-medication/arterial-blood-gases
  2. https://www.verywellhealth.com/abg-test-results-arterial-blood-gas-testing-3156812
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK536919/