Thứ Ba , 30 Tháng Tư 2024

Ngân hàng máu dây rốn

Bài viết thứ 25 trong 34 bài thuộc chủ đề Các vấn đề khác trong thai kỳ
 

Máu dây rốn là gì?

Máu dây rốn hay còn gọi là máu cuống rốn, được lấy từ dây rốn hoặc nhau thai của trẻ ngay sau khi được sinh ra. Máu dây rốn chứa nhiều tế bào gốc tạo máu mà có thể sử dụng để điều trị một số bệnh.

Dây rốn hoặc nhau thai của trẻ

Hình: Dây rốn hoặc nhau thai của trẻ

Tế bào gốc là gì?

Hầu hết tế bào cơ thể chỉ có thể tạo ra bản sao của chính nó. Ví dụ, một tế bào da có thể tạo ra một tế bào da khác. Ngược lại, tế bào gốc có khả năng biệt hóa tạo ra nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể. Tế bào gốc tạo máu có nhiều trong máu dây rốn, có khả năng tạo ra nhiều loại tế bào máu mới để thay thế các tế bào máu cũ trong cơ thể.

Tế bào gốc máu dây rốn được sử dụng như thế nào?

Tế bào gốc tạo máu có trong máu dây rốn có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh bao gồm những bệnh lý rối loạn về máu, miễn dịch hoặc chuyển hóa. Nó cũng còn được dùng để bù đắp lại những hậu quả do việc điều trị ung thư gây ra đối với hệ thống miễn dịch.

Ngoài dây rốn, tế bào gốc cũng có ở những vị trí khác của cơ thể như trong máu và tủy xương của người lớn và trẻ em. Sử dụng máu dây rốn trong điều trị bệnh có một số ưu điểm hơn hẳn so với sử dụng tủy xương. Ví dụ, lấy máu dây rốn dễ hơn lấy tủy xương. Lấy tủy xương cũng đặt ra một số nguy cơ và gây đau cho người hiến tặng.

Hạn chế của việc sử dụng tế bào gốc

Tế bào gốc không phải là “sự điều trị kì diệu”. Chỉ một số bệnh là có thể điều trị được bằng tế bào gốc, do những hạn chế sau:

  • Nếu trẻ sinh ra mắc bệnh lý di truyền do đột biến gen hoặc đột biến nhiễm sắc thể, thì tế bào gốc có trong máu dây rốn không thể sử dụng được để điều trị bệnh, do những tế bào gốc này cũng mang những bất thường di truyền gây ra bệnh lý đó.
  • Nếu một đứa trẻ mắc bệnh ung thư máu, thì tế bào gốc của trẻ đó không thể sử dụng được để điều trị bệnh ung thư máu cho trẻ đó. Tuy nhiên, nếu tế bào gốc lấy từ trẻ khỏe mạnh thì có thể được sử dụng giống như bất kỳ cơ quan được hiến tặng nào khác, để điều trị cho trẻ bị ung thư máu. Nhưng đòi hỏi người cho và người nhận cần phải tương hợp chặt chẽ để đảm bảo tế bào gốc của người cho sẽ hoạt động trong cơ thể người nhận.
Xem thêm bài viết Trữ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh của BS. Mạc Thị Mỹ Nguyện

Máu dây rốn được dự trữ bằng cách nào?

Máu dây rốn được cất giữ theo một trong hai kiểu ngân hàng dự trữ: cộng đồngcá nhân. Hai loại ngân hàng máu dây rốn này có những điểm khác nhau quan trọng mà bạn cần cân nhắc trước khi lựa chọn.

Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng hoạt động như thế nào?

Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng vận hành giống như ngân hàng máu. Máu dây rốn sau khi lấy sẽ được dự trữ tại đây và được dùng sau đó cho bất kỳ ai cần nó. Tế bào gốc máu dây rốn của người hiến tặng có thể được sử dụng cho bất kỳ người nào tương hợp.

Máu dây rốn được ghi lại lưu trữ trong dữ liệu để khi cần có thể tìm thấy nhanh chóng. Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng không tính phí khi lấy máu dây rốn từ người hiến tặng.

Những người hiến tặng cho ngân hàng cộng đồng phải được sàng lọc trước khi sinh. Sàng lọc đòi hỏi thông tin chi tiết về tiền sử y khoa của bố, mẹ và tiền sử gia đình. Mục đích là để loại trừ những bệnh lý về máu, miễn dịch hoặc những vấn đề khác. Người hiến tặng cũng được hỏi về lối sống của họ. Nhiều người muốn hiến tặng nhưng không đáp ứng được những tiêu chuẩn sàng lọc này.

Ngân hàng máu dây rốn cá nhân hoạt động như thế nào?

Ngân hàng máu dây rốn cá nhân dự trữ máu dây rốn cho sự hiến tặng có định hướng. Máu dây rốn được dự trữ để sử dụng điều trị bệnh cho con bạn hoặc người thân của bạn sau này. Ngân hàng này thường tính phí bảo quản dự trữ hàng năm, và cũng sẽ mất phí khi lấy máu dây rốn.

Máu dây rốn được lấy như thế nào?

Máu dây rốn sẽ được lấy bởi bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bạn hoặc nhân viên bệnh viện nơi bạn đến sinh. Không phải tất cả các bệnh viện đều có dịch vụ này. Một số bệnh viện sẽ tính thêm phí riêng khác mà không được chi trả bởi bảo hiểm. Quá trình tiến hành lấy máu dây rốn đơn giản và không gây đau. Sau khi trẻ được sinh ra, sẽ thực hiện kẹp dây rốn. Sau đó, dùng một kim gắn với túi chứa máu lớn để hút máu ra từ dây rốn. Sau khi túi máu đã được niêm phong, bánh nhau sẽ được lấy ra. Quá trình này mất khoảng 10 phút.

Những tình huống nào không thể lấy máu dây rốn?

Đôi khi không thể lấy đủ lượng máu dây rốn do trẻ bị sinh non, hoặc do song thai, đa thai cùng dùng chung một bánh nhau. Máu dây rốn ít cũng có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân. Nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra trong quá trình sinh, thì có thể không tiến hành lấy máu dây rốn được.

Một số vấn đề xảy ra cho mẹ có thể không cho phép thực hiện lấy máu dây rốn, do nguy cơ làm máu dây rốn bị nhiễm khuẩn. Những vấn đề này bao gồm:

  • Mụn nước do Herpes hoặc thương tổn sinh dục;
  • Nhiễm khuẩn nhau thai hoặc nhiễm khuẩn ối.

Nên xem xét điều gì khi quyết định dự trữ máu dây rốn?

Có một số điểm cần suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định dự trữ máu dây rốn, gồm:

  • Nhiều bệnh không thể điều trị bằng tế bào gốc của chính bạn hoặc của người khác.
  • Xác suất cần sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh cho con bạn hoặc người thân của bạn là rất thấp, vào khoảng 1/2700. Tuy nhiên các nghiên cứu đang được thực hiện về những ứng dụng mới của tế bào gốc cũng như những nghiên cứu khác khám phá ra những phương pháp điều trị mới mà không liên quan đến tế bào gốc.
  • Hiện nay, vẫn chưa biết tế bào gốc có thể được dự trữ thành công trong bao lâu.

Nếu bạn quyết định dự trữ máu dây rốn, bạn cần phải chọn một ngân hàng máu dây rốn. Hãy đặt ra một số câu hỏi trước khi đưa ra quyết định loại ngân hàng nào mà bạn chọn, bao gồm:

  • Điều gì sẽ xảy ra đối với máu dây rốn nếu ngân hàng dự trữ máu dây rốn cá nhân ngừng hoạt động kinh doanh?
  • Bạn có thể chi trả chi phí lấy máu dây rốn và phí lưu trữ máu dây rốn hàng năm ở ngân hàng dự trữ máu dây rốn cá nhân không?
  • Bạn sẽ có những sự lựa chọn nào nếu kết quả sàng lọc cho thấy bạn không phù hợp để hiến tặng cho ngân hàng máu dây rốn cộng đồng?

Một số địa chỉ Ngân hàng máu dây rốn ở Việt Nam

Xem TẠI ĐÂY

Giải thích thuật ngữ

  • Tế bào: là đơn vị cấu trúc nhỏ nhất của cơ thể, cấu tạo nên tất cả các bộ phận của cơ thể.
  • Tủy xương: là mô xốp ở trong khoang xương, sản xuất ra các tế bào máu mới.
  • Gen: có bản chất là DNA, mã hóa những đặc điểm riêng biệt như màu tóc, màu mắt.
  • Hệ thống miễn dịch: là hệ thống phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại các chất hoặc vi sinh vật lạ xâm nhập cơ thể, như vi khuẩn gây bệnh.
  • Chuyển hóa: là quá trình lý học và hóa học xảy ra trong cơ thể giúp duy trì sự sống.
  • Nhau thai: đây là cơ quan cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi, đồng thời vận chuyển những chất thải của thai vào tuần hoàn máu mẹ để thải ra ngoài.
  • Dây rốn: là cấu trúc giống sợi dây thừng, bên trong chứa nhiều mạch máu, nối liền giữa thai nhi và bánh nhau.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq172.pdf?dmc=1&ts=20140909T0319576191