Thứ Ba , 30 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên ngành Sản phụ khoa Mang thai Rối loạn co giật trong quá trình mang thai

Rối loạn co giật trong quá trình mang thai

Bài viết thứ 27 trong 34 bài thuộc chủ đề Các vấn đề khác trong thai kỳ
 

Cơn co giật là gì?

Cơn co giật xảy ra khi hoạt động của các tế bào thần kinh trong não trở nên bất thường. Cơn co giật có thể gây ra sự thay đổi tâm trạng, cảm xúc, ý thức hoặc vận động.

Động kinh là gì?

Động kinh là một loại của rối loạn co giật. Nó được chẩn đoán khi một người có hai hay nhiều cơn co giật mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Co giật có thể kiểm soát được không?

Những người có các cơn co giật lặp đi lặp lại thường cần phải dùng thuốc chống động kinh (AEDs) hoặc thuốc “chống co giật”. Các loại thuốc này không chữa khỏi rối loạn co giật, nhưng chúng có thể khống chế toàn bộ hoặc phần lớn các cơn co giật. Có hơn 20 loại thuốc chống động kinh khác nhau. Sự lựa chọn thuốc dựa vào độ tuổi của bệnh nhân, loại co giật và các tác dụng phụ của thuốc. Nếu một loại thuốc không hiệu quả, có thể thử loại thuốc khác. Có thể dùng nhiều hơn 1 loại thuốc để kiểm soát cơn co giật.

Rối loạn co giật có thể gây ra những vấn đề gì trong quá trình mang thai?

Rối loạn co giật có thể ảnh hưởng đến thai kỳ theo nhiều hướng:

  • Phụ nữ bị rối loạn co giật thường có nguy cơ cao có con bị dị tật bẩm sinh hơn những phụ nữ không bị. Nguy cơ này có thể liên quan với chính rối loạn co giật hoặc một số thuốc chống động kinh dùng để điều trị nó.
  • Cơn co giật xảy ra trong khi mang thai có thể gây thương tích cho người mẹ và thai nhi.
  • Mang thai có thể thay đổi tần suất các cơn co giật. Hầu hết phụ nữ sẽ không có thay đổi về tần suất các cơn co giật hoặc sẽ có các cơn co giật ít thường xuyên hơn. Một phần ba sẽ có sự gia tăng tần suất các cơn co giật.

Nhiều trong số những vấn đề này có thể được giảm thiểu hoặc tránh được bằng chăm sóc y tế tốt trước và trong khi mang thai.

Những rủi ro có liên quan khi có cơn co giật trong quá trình mang thai là gì?

Co giật có thể gây hại không chỉ cho chính người phụ nữ mà còn với em bé của họ. Co giật gây ra mất ý thức, kích động và giật cơ, được gọi là động kinh cơn lớn, đặc biệt nguy hiểm trong thai kỳ. Những rủi ro liên quan đến co giật trong khi mang thai bao gồm chấn thương do té ngã, giảm cung cấp oxy cho em bé trong thời gian co giật, chuyển dạ sớm, sanh non.

Dùng thuốc chống động kinh trong thời gian mang thai có gây hại gì cho thai nhi không?

Một số thuốc chống động kinh có liên quan với sự gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai nhi, mặc dù thấp. Bao gồm tật sứt môi chẻ vòm (môi hoặc vòm miệng không hoàn toàn đóng kín), dị tật tim và các khuyết tật ống thần kinh. Một lý do tại sao các thuốc chống động kinh có thể liên quan đến sự gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đó là rất nhiều trong số những lo­­­­ại thuốc này ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng axit folic. Axit folic là một loại vitamin B, nếu không có đủ axit folic trước khi mang thai và trong những tuần đầu của thai kỳ, có thể làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh cho đứa trẻ. Nếu bạn đang dùng thuốc chống động kinh, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên bổ sung thêm axit folic trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Tôi có nên ngừng dùng thuốc chống động kinh khi đang mang thai không?

Bởi vì có những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến việc có cơn co giật trong thai kỳ và vì các nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho em bé từ việc dùng thuốc chống động kinh là thấp, các chuyên gia khuyên rằng: trong quá trình mang thai các cơn động kinh nên được kiểm soát với thuốc nếu cần thiết. Tuy nhiên, loại, liều lượng hoặc số lượng của thuốc chống động kinh mà bạn dùng có thể cần phải thay đổi. Lý tưởng nhất là bất kỳ thay đổi nào trong quá trình sử dụng thuốc phải được thực hiện trước khi mang thai. Điều này cho phép bạn và bác sĩ của bạn thấy được cách thay đổi thuốc ảnh hưởng đến bạn như thế nào mà không gây rủi ro cho thai nhi.

Các bước phụ thêm mà bác sĩ có thể tiến hành khi theo dõi thai kỳ của tôi là gì?

Xét nghiệm máu có thể được thực hiện thường xuyên để chắc chắn rằng nồng độ thuốc là ổn định. Nếu nồng độ thuốc quá cao có thể dẫn đến tác dụng phụ, nhưng nếu nồng độ thuốc quá thấp có thể dẫn đến co giật. Xét nghiệm máu cũng có thể được sử dụng để sàng lọc một số dị tật bẩm sinh nhất định. Các xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm siêu âm, chọc hút dịch ối, sinh thiết gai nhau có thể được thực hiện để xác định sự xuất hiện của một vài dị tật bẩm sinh nhất định.

Rối loạn co giật có ảnh hưởng tới cách mà tôi sinh em bé không?

Rối loạn co giật không ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của bạn. Giống như hầu hết phụ nữ, phụ nữ có rối loạn co giật có thể sinh em bé qua đường âm đạo trừ khi có vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển dạ và đẻ. Trong những trường hợp này, có thể cần phải sinh mổ.

Những gì tôi cần biết về việc sử dụng biện pháp tránh thai sau khi sinh?

Thuốc chống động kinh có thể làm giảm hiệu quả của một số phương pháp tránh thai sử dụng nội tiết tố. Các phương pháp tránh thai bao gồm thuốc tránh thai, vòng tránh thai đặt trong âm đạo, miếng dán da và que cấy dưới da. Phương pháp tránh thai không bị ảnh hưởng bởi các thuốc chống động kinh là phương pháp dùng dụng cụ tử cung, thuốc tiêm ngừa thai và phương pháp rào cản (chẳng hạn như màng chắn, chất diệt tinh trùng hoặc bao cao su). Một số phụ nữ chọn sử dụng phương pháp rào cản cùng với phương pháp nội tiết tố. Triệt sản là một lựa chọn nếu bạn không muốn tiếp tục sinh con nữa.

Tôi có thể cho con bú được không?

Hầu hết phụ nữ có rối loạn co giật có thể cho con bú. Mặc dù thuốc chống động kinh được tìm thấy với nồng độ thấp trong sữa mẹ, nhưng trong phần lớn các trường hợp, nó không đủ để gây ảnh hưởng đến em bé.

Giải thích thuật ngữ

  • Chọc hút dịch ối: Là một phương pháp trong đó sẽ sử dụng một cây kim nhỏ hút ra một lượng nhỏ dịch ối và các tế bào từ túi ối bao quanh thai nhi để xét nghiệm.
  • Mổ lấy thai: Một phẫu thuật nhằm lấy thai nhi bằng một vết mổ qua thành bụng và thành tử cung của người mẹ.
  • Sinh thiết gai nhau: Một thủ thuật trong đó một mẫu nhỏ các tế bào được lấy từ nhau thai và kiểm tra.
  • Động kinh: Một nhóm các rối loạn trong đó các hoạt động điện trong não đột nhiên trở nên bất thường. Điều này có thể dẫn đến co giật, các thay đổi tạm thời về tâm trạng, cảm xúc, ý thức hoặc vận động. Động kinh được chẩn đoán nếu một người có hai hay nhiều cơn co giật mà không có một nguyên nhân rõ ràng.
  • Bào thai: Là một cơ thể phát triển trong tử cung từ tuần thứ chín của thai kỳ cho đến cuối thai kỳ.
  • Động kinh cơn lớn: Một loại cơn động kinh gây ra mất ý thức, kích động và giật cơ.
  • Dụng cụ tử cung: Một thiết bị nhỏ được đặt vào và để lại bên trong tử cung để tránh thai.
  • Khiếm khuyết ống thần kinh: Dị tật bẩm sinh này là kết quả của sự phát triển không đầy đủ của não bộ, tủy sống.
  • Sinh non: Sinh con trước 37 tuần của thai kỳ.
  • Triệt sản: Là một phương pháp tránh thai vĩnh viễn.
  • Siêu âm: Một xét nghiệm trong đó các sóng âm thanh được sử dụng để kiểm tra cấu trúc bên trong cơ thể. Trong quá trình mang thai, nó có thể được sử dụng để kiểm tra thai nhi.

Nếu bạn có thắc mắc, hãy liên hệ với bác sĩ sản khoa – bác sĩ phụ khoa của bạn.

Tài liệu tham khảo

Seizure Disorders in Pregnancy – FAQ129 Pregnancy – The American College of Obstetricians and Gynecologists