Thứ Ba , 30 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Chữa trị ung thư như thế nào Điều trị ung thư: Khi nào cần liên lạc với bác sĩ?

Điều trị ung thư: Khi nào cần liên lạc với bác sĩ?

Bài viết thứ 3 trong 8 bài thuộc chủ đề Một số lưu ý khác
 

Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể gây nên các biến chứng cần đến chăm sóc y tế. Tuy nhiên, thật khó để xác định khi nào cần liên lạc với bác sĩ. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về những dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra, và những biểu hiện nào cần đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Những biến chứng nghiêm trọng cần đến sự chăm sóc y tế bao gồm:

  • Các bệnh nhiễm trùng
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (tiếng Anh: Deep vein thrombosis, DVT), tình trạng máu đóng cục trong các tĩnh mạch có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Thuyên tắc phổi (tiếng Anh: Pulmonary Embolism, PE), tình trạng tắc động mạch phổi, thường do huyết khối từ chân dưới và là trường hợp khẩn cấp
  • Hội chứng ly giải khối u (tiếng Anh: Tumor lysis syndrome, TLS), tình trạng có thể gây tổn thương đa cơ quan, nguy hiểm đến tính mạng

Các bệnh nhiễm trùng

Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể làm bệnh nhân dễ gặp biến chứng nhiễm trùng. Nhiễm trùng khởi phát khi vi khuẩn, vi-rút, hoặc ít phổ biến hơn là nấm, xâm nhập vào cơ thể, nhưng hệ miễn dịch không thể ngăn chặn chúng kịp thời. Quá trình điều trị ung thư có thể gây suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng khả năng nhiễm trùng và tiến triển nặng ở bệnh nhân. Ví dụ, xạ trị làm giảm mức bạch cầu trung tính (neutrophils), là nhóm tế bào bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng.

Những bệnh nhiễm trùng phổ biến cần đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức bao gồm:

  • Viêm phổi
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể bắt đầu từ bàng quang hoặc thận
  • Nhiễm trùng ở miệng, cổ họng, thực quản, dạ dày, đường ruột, hoặc hậu môn
  • Nhiễm trùng huyết, hay xảy ra ở những bệnh nhân có số lượng tế bào bạch cầu thấp hoặc đang đặt ống thông (implanted catheters).

Nhiễm trùng trong quá trình điều trị ung thư có thể đe dọa tính mạng. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định nếu nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng và cách tốt nhất để xử lý chúng.

Các dấu hiệu nhiễm trùng cần được chăm sóc khẩn cấp

Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn có một hoặc nhiều những dấu hiệu sau đây. Nếu triệu chứng không thể được đánh giá ngay lập tức, hãy đến phòng cấp cứu.

  • Sốt cao từ 38℃ (100.5 F) trở lên
  • Ớn lạnh
  • Tức ngực hoặc khó thở
  • Người đờ đẫn
  • Đau đầu nghiêm trọng và căng cứng vùng cổ
  • Nước tiểu đục màu hoặc lẫn máu

Các dấu hiệu nhiễm trùng cần được chăm sóc nhanh chóng

Những triệu chứng dưới đây có thể được xử trí ban đầu phòng mạch.

  • Ho
  • Đỏ, sưng, đau ở bất cứ đâu, cụ thể là khu vực xung quanh vết thương hoặc gần vị trí đặt ống thông (catheter)
  • Đau miệng hoặc xuất hiện màng trắng trong khoang miệng và lưỡi
  • Đau răng hoặc nướu
  • Đau họng
  • Đau tai
  • Nhức đầu, viêm xoang hoặc cảm giáp áp lực lên khuôn mặt
  • Đau cứng cổ
  • Tiêu chảy hoặc đau ở gần hậu môn
  • Nước tiểu đục hoặc có lẫn máu
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu hoặc tiểu són
  • Tiết dịch âm đạo không bình thường hoặc ngứa âm đạo
  • Những thay đổi bất thường khác, bao gồm cảm giác không khỏe nói chung

Phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng

Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn phòng chống lây nhiễm.

  • Rửa tay sạch và thường xuyên. Luôn luôn rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tránh tiếp xúc với người đang ốm. Hãy báo cáo với bác sĩ nếu bạn đã ở gần người có biểu hiện bệnh.
  • Tránh chỗ đông người khi không cần thiết
  • Không dùng chung đồ ăn, thức uống, muỗng nĩa và vật dụng cá nhân khác
  • Tắm hằng ngày và thoa kem dưỡng ẩm để tránh khô nứt da
  • Vệ sinh răng và nướu bằng bàn chải mềm
  • Đề phòng rách/đứt da bằng việc dùng dao cạo râu điện (nếu có)
  • Không nên tiếp xúc với chất thải/phân động vật, đặc biệt là phân mèo
  • Giữ khu vực xung quanh vị trí đặt ống thông (catheters) sạch và khô thoáng
  • Tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ăn thức ăn chưa qua chế biến hoặc nấu chưa chín như thịt, cá, sò biển, hoặc gà, vịt. Rửa sạch trái cây và rau củ.
  • Chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý
  • Ngủ ít nhất 7-8 tiếng một ngày
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tránh tiếp xúc với những người vừa mới chích ngừa các loại vaccine thủy đậu, sởi, bại liệt hoặc vaccine cúm dạng xịt
  • Tham khảo với bác sĩ về việc chích ngừa vaccine nào
Xem thêm bài: "Phòng chống nhiễm trùng cho bệnh nhân ung thư" của Y Học Cộng Đồng

Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi

Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) xảy ra khi cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể, thường gặp nhất là các tĩnh mạch ở chân. HKTMS có thể được điều trị bằng thuốc chống đông máu (anticoagulants). Khối máu có thể tự biến mất, nhưng HKTMS thường cần được điều trị chống đông máu vì nếu khối máu lóc ra di chuyển về phổi có thể gây thuyên tắc phổi (TTP) đe dọa đến tính mạng.

Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc nghẽn một hoặc nhiều động mạch phổi.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể liên quan đến HKTMS hoặc TTP. Nhiều bệnh nhân không nhận ra triệu chứng của HKTMS đến khi xảy ra biến chứng nặng là TTP. Hãy gặp bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn có dấu hiệu và triệu chứng của một trong hai loại bệnh trên. Cả HKTMS và TTP đều là bệnh nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.

HKTMS có thể có một hoặc vài dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Sưng chân, có thể kèm nổi phình tĩnh mạch ngay dưới da ở chân (hoặc tay)
  • Đau hoặc ấn vào thấy đau ở chân, đôi khi bệnh nhân chỉ cảm nhận được khi đứng hoặc đi
  • Đau hoặc ấn vào thấy đau ở cánh tay làm giới hạn cử động
  • Thấy nóng đỏ tại chỗ sưng hoặc đau ở tay/chân

TTP có thể bao gồm một hoặc nhiều những dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Da nổi đỏ hoặc tím tái ở chân hoặc cánh tay
  • Khó thở, thở nhanh khởi phát đột ngột (đôi khi xảy ra từ từ)
  • Đau ở ngực, hai bên, hoặc lưng khi thở sâu
  • Ho ra máu
  • Nhịp thở nhanh
  • Nhịp tim nhanh

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra HKTMS:

  • Các ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma). Adenocarcinoma thường bao gồm ung thư biểu mô tuyến phế quản-phổi, tuyến tiền liệt, tuyến tụy, thực quản, tuyến đại tràng.
  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Sử dụng thuốc nội tiết / Liệu pháp điều trị hormone
  • Nằm/ngồi bất động kéo dài
  • Đã từng bị HKTMS
  • Mắc một số bệnh về phổi hoặc tim mạch
  • Lớn tuổi
  • Hút thuốc

Để đề phòng tắc nghẽn mạch máu, cần thực hiện những việc sau:

  • Ra khỏi giường và vận động càng sớm càng tốt khi đỡ mệt hoặc sau mổ.
  • Khi đi du lịch hoặc phải ngồi trong thời gian dài, nên đứng dậy và duỗi cơ thường xuyên.
  • Nếu bạn đã từng bị HKTMS, nên hỏi bác sĩ về việc mang vớ/tất co giãn (compression stockings) khi đi du lịch và/hoặc dùng thuốc chống đông máu trước chuyến đi.

Hãy hỏi bác sĩ về rủi ro hình thành cục máu đông hoặc HKTMS và bạn nên làm những gì để ngăn ngừa chúng.

Hội chứng ly giải khối u

Hội chứng ly giải khối u (LGKU), còn gọi là Hội chứng tiêu khối u, là bệnh lý ác tính thỉnh thoảng xảy ra sau hoá trị ở những loại ung thư có tốc độ phát triển nhanh, như một số dạng ung thư bạch cầu và lymphoma. Hội chứng ly giải khối u ít xảy ra ở u đặc, ngoại trừ ung thư phổi tế bào nhỏ. Bạn có thể hỏi bác sĩ về rủi ro gặp hiện tượng này.

Nguyên nhân là do nhiều tế bào ác tính chết và phân hủy nhanh chóng sau hóa trị. Khi đó, chúng vỡ ra và giải phóng các ion nội bào, các sản phẩm chuyển hóa trung gian vào máu, bao gồm Kali, Photpho, và DNA từ khối u. Việc phóng thích ồ ạt những thành phần này gây nên sự rối loạn điện giải và tăng đột ngột nồng độ các chất trong máu, có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan như thận, tim, gan và hệ thần kinh. Nó có thể gây rối loạn vận động, co giật, thậm chí tử vong.

Mặc dù hội chứng LGKU thường liên quan đến hoá trị, các phương pháp khác cũng có thể dẫn đến bệnh lý này. Nó hiếm khi diễn ra trước khi điều trị ung thư, và cực kì hiếm gặp sau khi sinh thiết. Những bệnh nhân dễ gặp hội chứng LGKU nên được điều trị tại bệnh viện, để các bác sĩ có thể theo dõi, truyền dịch qua tĩnh mạch và dùng một số thuốc làm giảm acid uric máu như rasburicase (Elitek) để phòng ngừa. Hội chứng có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm máu và các xét nghiệm liên quan khác.
Hội chứng này cũng có thể được nghĩ tới nhờ dấu hiệu/triệu chứng như bên dưới.

Những bệnh ung thư thường liên quan đến hội chứng ly giải khối u bao gồm:

  • U lympho Burkitt
  • U lympho tế bào lớn (các bệnh u lympho không Hodgkin)
  • Bệnh bạch cầu lympho cấp tính
  • Bệnh bạch cầu nguyên bào tuỷ cấp tính
  • Bệnh bạch cầu lympho mạn
  • Ung thư phổi tế bào nhỏ

Các yếu tố sau đây cũng có thể tăng nguy cơ gây nên hội chứng LGKU cho bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư:

  • Số lượng bạch cầu cao
  • Hàm lượng acid uric máu cao
  • Các bệnh về thận
  • Mất nước
  • Ung thư giai đoạn cuối
  • Tốc độ tăng sinh tế bào ung thư nhanh

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ly giải khối u bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Sưng, phù
  • Thở gấp
  • Rối loạn nhịp tim
  • Huyết áp thấp
  • Nước tiểu đục hoặc có lẫn máu
  • Đi tiểu ít hơn
  • Đau hạ sườn phía sau lưng
  • Mệt mỏi hoặc thiếu sinh khí
  • Co giật
  • Co rút cơ hoặc chuột rút
  • Đau ở các khớp
  • Đột tử

Nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn

Mỗi loại bệnh ung thư và từng phương pháp điều trị có thể gây nên các biến chứng khác nhau. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về những biến chứng mà bạn nên theo dõi. Đồng thời, hãy trao đổi cách thức và thời điểm để liên lạc với bác sĩ cũng như các thành viên khác trong đội ngũ chăm sóc trong suốt quá trình điều trị.
Nếu được, hãy hỏi bác sĩ của bạn những câu hỏi sau đây:

  • Những biến chứng có thể xảy ra đối với của tôi là gì?
  • Biến chứng nào tôi nên chú ý và nên gọi bác sĩ?
  • Những biến chứng nào là tình trạng cấp cứu mà tôi nên gọi cấp cứu (911 ở Mỹ/115 ở Việt Nam) hoặc đến phòng cấp cứu ngay?
  • Những tình trạng nào khác mà tôi nên gọi bác sĩ trong khi điều trị không? Cách liên lạc như thế nào?
  • Khi nào thì tôi nên liên lạc các thành viên khác của nhóm chăm sóc? Cách liên lạc như thế nào?
  • Tôi nên liên lạc số điện thoại nào sau giờ hành chính?
  • Khi nào thì tôi nên dùng thư điện tử để liên lạc với bác sĩ và nhóm chăm sóc?

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/when-call-doctor-during-cancer-treatment