Thứ Năm , 2 Tháng Năm 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư người lớn Những khó khăn trong khả năng tập trung, suy nghĩ hoặc trí nhớ

Những khó khăn trong khả năng tập trung, suy nghĩ hoặc trí nhớ

Bài viết thứ 7 trong 73 bài thuộc chủ đề Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ
 

Những vấn đề về nhận thức xảy ra khi một người gặp rắc rối trong việc xử lý thông tin, bao gồm các nhiệm vụ liên quan đến khả năng tập trung, suy nghĩ và trí nhớ ngắn hạn.

Có đến 75% người bị ung thư gặp vấn đề về nhận thức trong quá trình điều trị, và 35% tiếp tục có rắc rối trong nhiều tháng sau khi kết thúc điều trị. Các vấn đề này khác nhau về mức độ nghiêm trọng và thường gây khó khăn cho việc hoàn thành các công việc thường ngày. Nếu bạn có các vấn đề về nhận thức nghiêm trọng, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe để giúp xử lý những khó khăn đó.

Dấu hiệu và triệu chứng của các vấn đề nhận thức

giảm nhận thức, tập trung, trí nhớ

Xử lý triệu chứng của các vấn đề nhận thức là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị bệnh ung thư. Hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe nếu bạn nhận thấy bất kì triệu chứng hoặc thay đổi nào sau đây:

  • Khó khăn trong tập trung, chú ý.
  • Tâm trí lờ mờ (mental fog) hoặc mất phương hướng.
  • Khó định hướng không gian.
  • Quên mất một số việc, đặc biệt là tên, ngày tháng hoặc số điện thoại.
  • Khó khăn trong việc nắm bắt sự việc hay hiểu chuyện.
  • Khó khăn trong phán đoán và lý luận.
  • Suy giảm các kỹ năng về tính toán, tổ chức và ngôn ngữ. Điều này bao gồm các biểu hiện như không thể sắp xếp suy nghĩ, tìm từ đúng, cân đối thu chi hoặc cộng trừ đơn giản.
  • Khó khăn xử lý nhiều việc cùng một lúc.
  • Xử lý thông tin chậm hơn.
  • Thay đổi về hành vi và cảm xúc. Điều này bao gồm hành động phi lý, tâm trạng thất thường, giận dữ hoặc khóc lóc dữ dội, hoặc các hành vi không phù hợp thông lệ xã hội.
  • Lú lẫn nặng.

Mức độ của các triệu chứng này thường tùy thuộc vào một số yếu tố, có thể bao gồm:

  • Tuổi.
  • Mức độ stress.
  • Tiền sử trầm cảm hoặc lo âu.
  • Các kỹ năng thích ứng.
  • Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc tâm lý.
  • Cách điều trị ung thư mà bệnh nhân đang tiếp nhận.

Nguyên nhân của các vấn đề nhận thức

Những người vượt qua bệnh ung thư thường dùng thuật ngữ “hóa não” (chemobrain) để mô tả khó khăn trong việc tư duy mạch lạc sau khi hóa trị. Nhưng những người không điều trị bằng hóa trị cũng có thể gặp các triệu chứng tương tự. Các nhân tố khác có thể gây ra các vấn đề nhận thức gồm:

  • Xạ trị tập trung vào vùng đầu cổ hoặc chiếu xạ toàn cơ thể.
  • Phẫu thuận não, khiến một số vùng của não bị tổn thương do sinh thiết hoặc khi loại bỏ khối u.
  • Liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch và các thuốc khác, có thể bao gồm:
    • Thuốc chống nôn ói
    • Thuốc kháng sinh
    • Thuốc giảm đau
    • Thuốc ức chế miễn dịch
    • Thuốc chống trầm cảm
    • Thuốc chống lo lắng
    • Thuốc trị bệnh tim
    • Thuốc ngủ
  • Nhiễm trùng, đặc biệt ở não và tủy sống, và các nhiễm trùng gây sốt cao.
  • Ung thư não.
  • Các ung thư khác di căn đến não.
  • Các tình trạng khác liên quan đến bệnh ung thư hoặc cách chữa ung thư, gồm thiếu máu, rối loạn giấc ngủ, kiệt sức, tăng calci máu và rối loạn điện giải.
  • Các phản ứng xúc cảm như stress, lo lắng hay trầm cảm.
  • Thiếu một số loại vitamin và chất khoáng như sắt, vitamin B hay acid folic.
  • Các bất thường về não hoặc hệ thần kinh không liên quan đến ung thư.

Xử trí các vấn đề về nhận thức

Các vấn đề về nhận thức thường được cải thiện sau khi điều trị một tình trạng có thể chữa trị được, chẳng hạn như mất máu hoặc rối loạn điện giải. Tương tự, các vấn đề gây ra bởi thuốc thường biến mất sau khi ngưng sử dụng thuốc. Các vấn đề liên quan đến ung thư não thường cải thiện sau khi chữa trị, tuy nhiên một vài triệu chứng có thể tiếp diễn.

Các vấn đề về nhận thức liên quan đến hóa trị, xạ trị hay các cách trị ung thư khác có thể là vấn đề dài hạn. Các cách giải quyết cho những vấn đề nhận thức kéo dài này gồm:

  • Dược phẩm, bao gồm thuốc kích thích, thuốc tăng cường nhận thức và thuốc chống trầm cảm.
  • Sinh hoạt trị liệu và phục hồi nghề nghiệp, giúp người bệnh làm các công việc thường ngày và các kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp.
  • Phục hồi chức năng nhận thức và rèn luyện nhận thức, giúp bệnh nhân cải thiện kỹ năng nhận thức và tìm ra cách thích ứng với các vấn đề liên quan nhận thức.

Các chiến lược để thích ứng với các vấn đề về nhận thức

Những chiến lược sau có thể giúp bạn thích ứng tốt hơn với các khó khăn về tập trung, suy nghĩ, trí nhớ và giúp bạn duy trì tư duy nhạy bén:

  • Lập một danh sách kiểm tra (checklist) về những ghi nhớ nhắc nhở thường ngày. Đặt nó tại một vị trí thuận tiện nơi bạn có thể nhìn thấy thường xuyên. Giữ một bản sao ở nơi làm việc, nếu cần.
  • Mỗi lúc làm một việc, tránh phân tâm.
  • Đem theo một cuốn sổ nhỏ và một cây viết để dễ dàng viết ra các ghi chú và nhắc nhở. Bạn cũng có thể tải một ứng dụng tạo ghi chú vào điện thoại và máy tính bảng của mình.
  • Dùng lịch hoặc sổ có ngày tháng để theo dõi những cuộc hẹn, việc cần làm, và các ngày quan trọng sắp tới.
  • Dán các mảnh giấy đính ghi nhớ (sticky note – mảnh giấy nhỏ có keo dính mặt sau) quanh nhà và nơi làm việc để nhắc bạn những việc cần làm quan trọng. Bạn cũng có thể đặt chế độ nhắc nhở trong lịch của điện thoại hoặc email của bạn.
  • Chơi trò chơi từ vựng, chẳng hạn như làm thơ, để giúp bạn nhớ các vật.
  • Nghỉ ngơi nhiều.
  • Dành thời gian cho hoạt động thể chất để tăng sự nhanh nhẹn về tinh thần. Hãy thử đi bộ, bơi lội hay làm vườn. Yoga và thiền định cũng có thể giúp bạn thư giãn và làm tâm trí tỉnh táo.
  • Thử những việc có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức, chẳng hạn như giải ô chữ, vẽ, chơi nhạc cụ, hoặc học một sở thích mới.
  • Đừng ngại đặt câu hỏi với bác sĩ của bạn, ngay cả khi nếu bạn cảm thấy mình cứ lặp đi lặp lại các câu hỏi.
  • Theo dõi các chi tiết quan trọng mà bạn thảo luận với bác sĩ. Bạn có thể dùng sổ ghi chú riêng, máy ghi âm, các ứng dụng (nếu có). Nếu nhiều thông tin quá, hãy nhờ một người bạn hoặc người thân cùng đi gặp bác sĩ. Họ có thể ghi chú và nhắc lại nội dung với bạn sau đó.
  • Nhờ bác sĩ giới thiệu bác sĩ Nội thần kinh học, bác sĩ Tâm thần, hoặc bác sĩ Chăm sóc giảm nhẹ để được giúp đỡ thêm.
  • Nói chuyện với người quản lý nếu bạn gặp khó khăn trong công việc. Thảo luận với người quản lý để họ có thể hỗ trợ bạn, chẳng hạn như thay đổi khối lượng công việc hoặc kỳ hạn hoàn thành (Đọc thêm bài “Đi làm lại sau điều trị ung thư”).
  • Chuẩn bị cho ngày đi làm hôm sau bằng cách liệt kê ra các thứ bạn sẽ cần vào đêm hôm trước.
  • Tô màu, đánh dấu hoặc dán nhãn những tủ hoặc ngăn kéo mà bạn cất đồ trong nhà.
  • Đặt các đồ vật, ví dụ như chìa khóa xe, vào cùng một chỗ sau mỗi lần dùng, để bạn có thể dễ dàng tìm thấy.
  • Sắp xếp để tránh lộn xộn.
  • Lưu những số điện thoại quan trọng trong điện thoại, hoặc để bên cạnh điện thoại bàn ở nhà. Bạn cũng có thể mang theo sổ danh bạ phòng khi bạn quên mang theo điện thoại khi đi ra ngoài.

Bạn cũng đừng ngại nhờ gia đình và bạn bè giúp đỡ. Nói chuyện với bác sĩ hoặc những người khác trong nhóm chăm sóc sức khỏe để có được lời khuyên và thêm thông tin.

Các vấn đề về nhận thức ở trẻ em

Trẻ em nhỏ tuổi (5 tuổi hoặc nhỏ hơn) dễ có vấn đề về nhận thức trong dài hạn. Các vấn đề này có thể xảy ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi việc điều trị kết thúc và có thể tiếp diễn cho đến tuổi trưởng thành. Các phương pháp điều trị sau dễ gây vấn đề nhận thức:

  • Xạ trị nhắm vào đầu, cổ hoặc tủy sống.
  • Chiếu xạ toàn thân.
  • Hóa trị truyền trực tiếp vào cột sống hoặc não.

Một số vấn đề nhận thức có thể xảy ra gồm:

  • Giảm trí thông minh nói chung.
  • Mất khả năng học tập.
  • Giảm khả năng tập trung, các rối loạn giảm chú ý (attention deficit disorders).
  • Chậm phát triển, bao gồm phát triển về mặt xã hội, cảm xúc và hành vi.
  • Thành tích học tập không tốt, đặc biệt về đọc hiểu, ngôn ngữ và toán học.
  • Giảm khả năng hiểu ngôn ngữ hoặc khả năng sắp xếp tư duy hợp lý.
  • Giảm các kỹ năng ghi nhớ có liên quan và không liên quan đến lời nói.

Có nhiều cách giải quyết các vấn đề nhận thức ở trẻ em, có thể gồm hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, liệu pháp hành vi, huấn luyện kỹ năng xã hội, phục hồi nhận thức và các thuốc trị rối loạn giảm chú ý. Một số trẻ em có thể cần thay đổi cách học ở trưởng hoặc cách tập trung.

Những cách can thiệp khác ở trường cũng có thể có ích, chẳng hạn như dạy toán và đọc hiểu chuyên biệt cũng như các chương trình giáo dục đặc biệt. Việc can thiệp sớm dường như đem lại lợi ích lớn nhất, nên phụ huynh phải nhận biết được các vấn đề về nhận thức có thể xảy ra với trẻ. Họ nên trò chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của con họ ngay khi nghi ngờ có vấn đề.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/attention-thinking-or-memory-problems