Thứ Ba , 30 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Các bệnh Ung thư Ung thư trẻ em U màng não thất ở trẻ em: Phương pháp điều trị

U màng não thất ở trẻ em: Phương pháp điều trị

Bài viết thứ 7 trong 9 bài thuộc chủ đề U màng não thất ở trẻ em
 

Bài viết này giới thiệu về các phương pháp để điều trị khác nhau được bác sĩ sử dụng cho trẻ mắc u màng não thất. Sử dụng menu dưới đây để xem các bài viết khác.

Nhìn chung, bệnh ung thư không thường gặp ở trẻ em. Điều này có thể gây khó khăn cho việc lên kế hoạch điều trị của các bác sĩ trừ khi họ biết được phương pháp nào có hiệu quả nhất cho lứa tuổi này. Đó là lý do tại sao hơn 60% trẻ em mắc ung thư được điều trị thông qua tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng (nghiên cứu nhằm thử nghiệm một phương pháp điều trị mới). “Điều trị chuẩn” là phương pháp điều trị tốt nhất được biết đến. Các thử nghiệm lâm sàng có mục đích thử nghiệm các cách tiếp tận mới, ví dụ như: một loại thuốc mới, một cách phối hợp mới hoặc một liều lượng mới từ các phương pháp điều trị hiện tại. Các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi sát tình trạng sức khỏe và sự an toàn của trẻ khi tham gia nghiên cứu.

Để tiếp cận các liệu pháp điều trị mới nhất, trẻ bị u não nên được điều trị tại trung tâm điều trị ung thư chuyên sâu. Bác sĩ tại các trung tâm này có nhiều kinh nghiệm điều trị trẻ em mắc ung thư và được tiếp cận với các nghiên cứu mới nhất. Bác sĩ chuyên điều trị trẻ em bị ung thư gọi là bác sĩ ung bướu nhi. Nếu không ở gần trung tâm điều trị ung thư nhi, trẻ có thể đến các trung tâm điều trị ung thư tổng quát. Các trung tâm này đôi khi cũng có các bác sĩ chuyên khoa nhi có thể điều trị cho trẻ.

Tổng quan về điều trị

Trong nhiều trường hợp sẽ có một nhóm bác sĩ cùng điều trị cho một trẻ, gọi là nhóm điều trị đa ngành. Các trung tâm ung thư nhi khoa có nhiều dịch vụ hỗ trợ thêm cho trẻ và gia đình, như chuyên gia tư vấn đời sống trẻ em, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia vật lý trị liệu và vận động trị liệu, nhân viên công tác xã hội và nhà tư vấn tâm lý. Ngoài ra các trung tâm này còn có những hoạt động và chương trình đặc biệt giúp trẻ và gia đình đương đầu với khó khăn.

Dưới đây là mô tả của một số dạng điều trị thông thường cho trẻ em bị u màng não thất. Khi lên kế hoạch điều trị, bác sĩ cũng tính đến cả một phần quan trọng là giảm nhẹ triệu chứng và giảm tác dụng phụ cho trẻ.

Các lựa chọn và khuyến cáo điều trị phụ thuộc nhiều yếu tố, như loại khối u, mức độ, các tác dụng phụ có thể có, lựa chọn của gia đình và tổng trạng của trẻ. Hãy dành thời gian để tìm hiểu tất cả các lựa chọn điều trị cho trẻ và hãy hỏi hết những gì bạn chưa rõ. Hãy hỏi bác sĩ về mục tiêu của từng liệu pháp điều trị và kỳ vọng trong khi điều trị. Bạn có thể tìm hiểu thêm về đưa ra quyết định điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là biện pháp mổ để loại bỏ khối u và một ít mô khỏe mạnh xung quanh. Bác sĩ chuyên về phẫu thuật để điều trị khối u trong não hoặc trong cột sống gọi là bác sĩ ngoại thần kinh. Phẫu thuật luôn là lựa chọn điều trị đầu tiên trong u màng não thất. Mục tiêu phẫu thuật là để làm sinh thiết trong khi mổ nhằm chẩn đoán u màng não thất (xem phần Chẩn đoán) và cắt bỏ được khối u càng nhiều càng tốt.

Để phẫu thuật não, bác sĩ phải lấy một phần xương sọ ra, gọi là phẫu thuật mở hộp sọ. Sau khi lấy khối u, bác sĩ sẽ dùng chính xương của bệnh nhân để che lỗ mở hộp sọ. Phẫu thuật u não hiện nay đã có nhiều tiến bộ. Các bác sĩ có thể dùng sơ đồ vỏ não để xác định các vùng chức năng nhất định trên não kiểm soát giác quan, ngôn ngữ và kĩ năng vận động. Những phương tiện thăm dò hình ảnh học hiện nay cũng tốt hơn, giúp bác sĩ có thêm các công cụ để lên kế hoạch và tiến hành phẫu thuật. Đôi khi không thể tiến hành phẫu thuật được do khối u ở vị trí khó tiếp cận hoặc ở gần cấu trúc quan trọng sống còn. Đó gọi là các khối u không thể phẫu thuật. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyến cáo các lựa chọn điều trị khác.

Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị dựa trên các tiêu chuẩn sau:

  • Lượng khối u đã cắt bỏ
  • Tuổi của trẻ
  • Bệnh đã lan rộng hay chưa

Các tác dụng phụ của phẫu thuật u màng não thất rất khác nhau ở các bé. Trước khi phẫu thuật, bạn cần hỏi các bác sĩ về các tác dụng phụ có thể có. Bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin cơ bản về phẫu thuật.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia xạ năng lượng cao hoặc các loại hạt khác để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ chuyên dùng tia xạ để điều trị ung thư gọi là bác sĩ xạ trị ung bướu. Loại xạ trị thông thường nhất là xạ trị chùm tia ngoài, tức là dùng máy phát tia xạ từ bên ngoài cơ thể. Xạ trị cũng có thể gồm các hạt gọi là tia X (hay photon) hoặc proton. Một phác đồ, hoặc liệu trình xạ trị thường bao gồm một số đợt điều trị cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.

Xạ trị có thể được tiến hành sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nếu ung thư chưa lan rộng, xạ trị sẽ chiếu thẳng vào khối u. Nếu ung thư đã lan tràn, xạ trị có thể chiếu đến toàn bộ não và cột sống. Xạ trị cũng được dùng để điều trị một khối u không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật. Mặc dù có một số quan ngại khi xạ trị cho trẻ dưới 3 tuổi, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy biện pháp này an toàn và hiệu quả cho trẻ ở lứa tuổi này bị u màng não thất.

Hóa trị

Hóa trị là biện pháp dùng hóa chất để phá hủy tế bào ung thư, thường bằng cách không cho tế bào ung thư lớn lên và phân chia. Hóa trị thường do bác sĩ ung bướu nội khoa tiến hành, tức là bác sĩ chuyên điều trị ung thư bằng thuốc.

Hóa trị toàn thân là đưa thuốc vào máu để đi đến tế bào ung thư ở khắp cơ thể. Các cách thông thường để đưa thuốc vào cơ thể là qua một ống thông đặt vào tĩnh mạch bằng kim hoặc uống viên thuốc dạng viên nén hoặc viên nang.

Một phác đồ hoặc liệu trình hóa trị bao gồm một số chu kỳ cụ thể được tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định. Một bệnh nhân có thể dùng mỗi lần một loại thuốc hoặc phối hợp nhiều loại thuốc cùng lúc.

Hóa trị đơn độc thường không hiệu quả trong điều trị u màng não thất, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu dùng kết hợp với các liệu pháp khác. Các thử nghiệm lâm sàng kết hợp giữa xạ trị và hóa trị sau phẫu thuật đang được tiến hành. Nhờ hóa trị, các phẫu thuật viên cũng có thể tiến hành phẫu thuật thêm để phá hủy bất cứ phần khối u nào không cắt bỏ được trong lần phẫu thuật ban đầu (Xem thêm: Nghiên cứu mới nhất)

Tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào từng người và liều sử dụng, có thể bao gồm mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn, nôn, rụng tóc, ăn không ngon và tiêu chảy. Các tác dụng phụ có thể mất đi khi kết thúc điều trị.

Bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin cơ bản về hóa trị ở đây. Các thuốc dùng để điều trị ung thư được nghiên cứu đánh giá liên tục. Cách tốt nhất để nắm được thông tin là hãy hỏi bác sĩ về thuốc trẻ được dùng, tại sao trẻ được chỉ định các loại thuốc đó, trẻ dùng thuốc có thể bị tác dụng phụ hay tương tác thuốc nào không. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các toa thuốc của trẻ bằng cách tra trên cơ sở dữ liệu thuốc.

Điều trị triệu chứng và tác dụng phụ

Ung thư và điều trị ung thư thường gây ra các tác dụng phụ. Bên cạnh các phương pháp điều trị nhằm làm chậm lại, ngăn chặn hoặc loại bỏ khối u, một phần quan trọng trong điều trị ung thư là giảm triệu chứng và tác dụng phụ cho trẻ. Đây gọi là chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ, và bao gồm cả hỗ trợ về thể chất, cảm xúc và đời sống xã hội cho trẻ.

Chăm sóc giảm nhẹ là bất cứ biện pháp nào giúp giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống, hỗ trợ bệnh nhân và gia đình. Tất cả bệnh nhân, ở mọi lứa tuổi, bất kể loại và giai đoạn ung thư, đều cần được chăm sóc giảm nhẹ. Chăm sóc giảm nhẹ đạt hiệu quả tốt nhất khi được tiến hành càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị ung thư. Trẻ em thường được điều trị khối u cùng lúc với điều trị giúp giảm tác dụng phụ. Trên thực tế, những bệnh nhân được điều trị cả hai cùng lúc sẽ có triệu chứng ít nặng hơn, chất lượng sống tốt hơn, và hài lòng với điều trị hơn.

Điều trị chăm sóc giảm nhẹ rất đa dạng, bao gồm thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, các kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và các liệu pháp khác. Trẻ có thể được điều trị chăm sóc giảm nhẹ cùng lúc với các phương pháp điều trị ung thư trực diện như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Hãy hỏi bác sĩ về mục tiêu của từng liệu pháp trong kế hoạch điều trị cho trẻ.

Trước khi bắt đầu điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra trong kế hoạch điều trị và lựa chọn phương pháp chăm sóc giảm nhẹ phù hợp. Trong và sau khi điều trị, nếu trẻ gặp vấn đề gì hãy báo bác sĩ ngay, nhờ đó bác sĩ có thể giải quyết càng nhanh càng tốt. Bạn có thể tìm hiểu thêm về chăm sóc giảm nhẹ.

Lui bệnh và nguy cơ tái phát

Lui bệnh là khi không phát hiện được ung thư trong cơ thể nữa và trẻ không còn triệu chứng. Đây còn được gọi là “không có bằng chứng của bệnh” hoặc NED.

Lui bệnh có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sự không chắc chắn này khiến nhiều bệnh nhân lo lắng khối u sẽ xuất hiện trở lại. Dù có nhiều trường hợp trẻ lui bệnh vĩnh viễn, bạn vẫn cần phải trao đổi với bác sĩ về khả năng khối u có thể tái phát. Hiểu thêm về nguy cơ tái phát bệnh của trẻ và các lựa chọn điều trị có thể giúp chúng ta sẵn sàng hơn nếu khối u xuất hiện trở lại. Bạn có thể tìm hiểu thêm cách vượt qua nỗi sợ ung thư tái phát.

Nếu ung thư xuất hiện trở lại sau lần điều trị ban đầu, nó được gọi là ung thư tái phát. Nó có thể tái phát ở cùng một vị trí (gọi là tái phát tại chỗ), hay gần đó (gọi là tái phát vùng), hoặc tại một vị trí khác (gọi là tái phát xa).

Nếu có tái phát, một loạt các xét nghiệm sẽ được thực hiện lại từ đầu để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về sự tái phát. Sau khi xét nghiệm xong, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các lựa chọn điều trị. Thường thì kế hoạch điều trị sẽ bao gồm các biện pháp kể trên như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, nhưng cách phối hợp hoặc tốc độ điều trị có thể khác. Bác sĩ có thể đề nghị các thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu về các biện pháp điều trị mới cho loại khối u tái phát này. Dù bạn chọn bất cứ kế hoạch điều trị nào, việc chăm sóc giảm nhẹ cũng quan trọng để giảm triệu chứng và tác dụng phụ.

Khi ung thư tái phát, bệnh nhân và gia đình có thể gặp những áp lực về cảm xúc như mất niềm tin hoặc lo sợ. Bạn nên chia sẻ những cảm xúc này với nhóm điều trị và hỏi thêm các dịch vụ hỗ trợ để giúp gia đình bạn có thể vượt qua. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về cách vượt qua bệnh ung thư tái phát.

Điều trị không hiệu quả

Mặc dù hầu hết trường hợp ung thư ở trẻ em được điều trị thành công, một số trẻ lại không được như vậy. Nếu không thể chữa khỏi hoặc không kiểm soát được khối u của trẻ, bệnh của trẻ sẽ được gọi là ung thư tiến triển hoặc ung thư giai đoạn cuối. Chẩn đoán này rất nặng nề nên là vấn đề rất khó thảo luận. Tuy vậy, điều quan trọng là hãy cởi mở và chân thành chia sẻ với đội ngũ chăm sóc sức khỏe, bày tỏ những cảm nhận, lựa chọn và mối quan ngại của gia đình. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ, và nhiều thành viên trong nhóm có các kĩ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên biệt để giúp đỡ bệnh nhi và gia đình.

Chăm sóc cuối đời là biện pháp giúp đem đến chất lượng sống tốt nhất có thể cho những bệnh nhân có tiên lượng sống dưới 6 tháng. Phụ huynh và gia đình cần trao đổi với bác sĩ thêm về các lựa chọn chăm sóc cuối đời, bao gồm chăm sóc tại nhà, tại trung tâm đặc biệt cho bệnh nhân giai đoạn cuối hoặc các địa điểm chăm sóc y tế khác. Hiện nay, nhờ chăm sóc điều dưỡng và thiết bị đặc biệt, nhiều gia đình có thể lựa chọn chăm sóc cho trẻ tại nhà. Một số trẻ có thể cảm thấy vui hơn nếu vẫn được đi học hoặc tham gia các hoạt động khác và kết nối xã hội. Một phần cực kì quan trọng trong chăm sóc cuối đời là bảo đảm trẻ được thoải mái về thể chất và không đau đớn. Hãy tìm hiểu thêm về cách chăm sóc trẻ giai đoạn cuốikế hoạch chăm sóc giai đoạn tiến triển.

Một đứa trẻ qua đời là bi kịch lớn, và gia đình cần được hỗ trợ giúp đỡ để vượt qua mất mát. Các trung tâm ung bướu trẻ em thường có nhân viên giàu chuyên môn và các nhóm hỗ trợ để giúp gia đình bệnh nhi vượt qua nỗi đau mất mát. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách vượt qua nỗi đau khi mất con.

Phần tiếp theo của tài liệu hướng dẫn này là Các nghiên cứu mới nhất. Phần này giúp chúng ta hiểu thêm về các nghiên cứu để tìm kiếm các biện pháp điều trị tốt hơn cho bệnh nhân ung thư. Dùng menu để chọn đọc một phần khác trong tài liệu hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

Ependymoma – Childhood: Types of Treatment