Thứ Ba , 30 Tháng Tư 2024
Trang chủ Góc CNTT Đèn hồng ngoại: những lợi ích và tai biến

Đèn hồng ngoại: những lợi ích và tai biến

Bài viết thứ 36 trong 94 bài thuộc chủ đề Góc nhìn
 

Việc sử dụng đèn hồng ngoại để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý có liên quan đến đau ngày càng phổ biến bởi sự tiện dụng mà đèn hồng ngoại mang lại so với các phương thức điều trị bằng nhiệt khác như: chườm nóng, siêu âm…Do đó, những hiểu biết cơ bản về công dụng, cách dùng và các tai biến có thể có là hết sức cần thiết khi tiến hành điều trị bằng đèn hồng ngoại tại nhà hầu tránh những tác hại đáng tiếc có thể xảy ra.

đèn hồng ngoại - những lợi ích và tai biến

Đèn hồng ngoại trên thị trường có 2 loại: phát quang và không phát quang. Loại phát quang tạo ra các tia hồng ngoại có bước sóng ngắn, loại không phát quang tạo ra các tia có bước sóng dài hơn. Các tia hồng ngoại có bước sóng ngắn sẽ xâm nhập mô sâu hơn các tia có bước sóng dài. Các tia hồng ngoại khi được hấp thụ qua mô cơ thể sẽ sinh ra nhiệt. Chính nhờ hiệu ứng nhiệt này giúp cho đèn hồng ngoại có một số tác dụng sau: giúp giãn mạch tại vùng chiếu tia, làm tăng lượng máu mang oxi và dinh dưỡng đến vùng giãn mạch, tăng chuyển hóa mô tại chỗ và tăng tiết mồ hôi, giảm phù nề. Bên cạnh đó, nếu chiếu tia hồng ngoại có cường độ thấp (nóng nhẹ) sẽ giúp làm xoa dịu các đầu thụ cảm thần kinh có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, tác dụng giảm đau này còn do bởi hiệu quả thư giản cơ tại vùng chiếu do sự tăng nhiệt độ tại chỗ.

Chính nhờ các công dụng trên mà đèn hồng ngoại thường được sử dụng như là điều trị hỗ trợ cho các trường hợp: đau lưng cơ năng, đau khớp mạn, đau do co cơ vai, gáy; các nhiễm trùng ngoài da, vết thương nông; các trường hợp viêm, phù do ứ trệ tuần hoàn; dùng trước tập vận động giúp cải thiện tầm vận động khớp ở bệnh nhân cứng khớp; các trường hợp bong gân đã qua giai đoạn cấp…

Cách sử dụng: tư thế bệnh nhân có thể ngồi hoặc nằm thật thoải mái, bộc lộ rõ vùng da chiếu tia, che mắt bằng gạc ẩm nếu chiếu ở vùng mặt, uống đủ nước trước khi chiếu tia. Tia chiếu vuông góc với mặt da, nhưng đèn chiếu nên đặt ngang hay chéo để tránh bị rơi đèn lên cơ thể gây bỏng. Khoảng cách từ đèn chiếu đến bề mặt da trung bình là 50-60cm. Tùy vào mục tiêu điều trị và loại bệnh lý mà thời gian chiếu tia, cường độ và số lần chiếu khác nhau. Thông thường khi bắt đầu điều trị nên chọn tia chiếu cường độ thấp trong khoảng 5-10 phút rồi tăng cường độ lên dần, thời gian trung bình 15-20 phút/lần, mỗi ngày hay 2 ngày 1 lần. Trong khi chiếu tia, da vùng chiếu có cảm giám nóng nhẹ, dễ chịu. Nếu trong khi chiếu mà da vùng chiếu nóng rát, đổ mồ hôi nhiều thì phải giảm cường độ. Sau khi chiếu, da vùng chiếu có màu hồng, hay đỏ nhạt là đạt yêu cầu.

Tai biến thường gặp nhất là bỏng da do cường độ tia chiếu quá cao hoặc để đèn chiếu quá gần hoặc do vùng da chiếu của bệnh nhân bị mất cảm giác, hoặc do rơi đèn lên người. Một số tai biến khác ít gặp hơn như: hoại tử da, đau đầu, ngất, táo bón, ớn lạnh, điện giật, đục thủy tinh thể….

Do đó, để tránh các tai biến và biến chứng có thể xảy ra nên dùng đèn hồng ngoại đúng chỉ định và đúng kỹ thuật. Không dùng đèn hồng ngoại cho các trường hợp sau: chấn thương cấp tính hoặc các bệnh lý cấp tính vì nhiệt trị liệu ở giai đoạn này sẽ làm tăng sự phù nề và ứ đọng dịch. Các trường hợp bướu lành hoặc ác tính vì sẽ làm tăng nhanh sự phát triển của bướu. Các nhiễm trùng sâu, bệnh nhân có bệnh dể chảy máu, bệnh nhân bị giảm hay mất cảm giác nóng, lạnh. Những bệnh nhân có bệnh lý mạch máu như xơ vữa động mạch…