Thứ Ba , 30 Tháng Tư 2024
Trang chủ góc nhìn Những điều cần cân nhắc khi điều trị ung thư giai đoạn muộn bằng hóa trị

Những điều cần cân nhắc khi điều trị ung thư giai đoạn muộn bằng hóa trị

Bài viết thứ 23 trong 94 bài thuộc chủ đề Góc nhìn
 

Gửi tặng những người đang chống chọi với ung thư và người thân đang hỗ trợ….

BS.TS. Phạm Nguyên Quý

Khi ung thư phát hiện muộn, tức đã ở giai đoạn khối u xâm lấn không phẫu thuật được và/hoặc di căn đến các cơ quan khác, việc chữa lành là hiếm và mục tiêu điều trị khi đó thường là để kéo dài/duy trì thời gian sống “mạnh khỏe”.

Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, đã nói “Cuộc sống không nằm trong số năm bạn đã tồn tại mà đó là những gì bạn đã làm suốt thời gian mà bạn SỐNG”. Ý nghĩa của câu nói này thật sâu xa và có thể áp dụng cả trong những tình huống khó khăn của cuộc đời.

Khi đối mặt với bệnh ung thư, nhiều người thường rất hoang mang, lo lắng.

  • Tôi có thể chữa lành hay không?
  • Có những phương pháp điều trị nào và hiệu quả ra sao?
  • Hóa trị có thể có những tác dụng phụ gì, độ ảnh hưởng ra sao?
  • Tôi có nên điều trị hay tiếp tục điều trị hay không?
  • Cuộc sống của tôi và của những người thân, rồi sẽ ra sao?

…là một trong hàng chục câu hỏi mà bệnh nhân và cả người thân thường trăn trở.

Nhận thức về tiến triển của ung thư giai đoạn muộn

Ước vọng chữa lành là rất lớn, nhưng không phải bao giờ cũng thực hiện được.

Khi ung thư phát hiện muộn, tức đã ở giai đoạn khối u xâm lấn không phẫu thuật được và/hoặc di căn đến các cơ quan khác, việc chữa lành là hiếm và mục tiêu điều trị khi đó thường là để kéo dài/duy trì thời gian sống “mạnh khỏe”.

Quá trình điều trị ung thư đã tiến triển

Như minh họa ở hình 1 với trục tung chỉ tình trạng sức khỏe và trục hoành chỉ thời gian, chúng ta có thể mường tượng rằng theo thời gian, bệnh tiến triển sẽ làm tình trạng sức khỏe sa sút dần. Lúc đầu, cơ thể vẫn còn “mạnh khỏe” (không có triệu chứng) hoặc “tương đối khỏe” (có triệu chứng nhưng không vấn đề gì), tương ứng với vùng màu xanh dương và xanh lá cây. Khi đó bệnh nhân vẫn có thể làm việc và hòa nhập xã hội một cách tương đối.

Sau một thời gian, ung thư tiến triển sẽ làm các triệu chứng xuất hiện và/hoặc trầm trọng hơn, tới mức ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi ở vùng màu vàng (có triệu chứng làm giảm chất lượng cuộc sống), bệnh nhân vẫn còn đi lại, tự lo cho bản thân nhưng không còn làm việc được nữa mà thường chỉ quanh quẩn trong nhà.

Bệnh nặng dần tới vùng màu cam (hoạt động hằng ngày khó khăn vì triệu chứng) sẽ là lúc bệnh nhân nằm trên giường hay ngồi trên ghế hầu hết thời gian (trên 50% thời gian ban ngày), không tự sinh hoạt cá nhân được phải có người phụ giúp, và cuối cùng là tử vong.

Khi nào thì nên cân nhắc điều trị?

Hóa trị là phương pháp điều trị dùng các loại hóa chất (thuốc) qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự tăng sinh và phát triển của khối u ác tính đã lan ra nhiều vùng trong cơ thể. Do hóa trị cũng ảnh hưởng lên những tế bào tăng sinh nhanh bình thường trong cơ thể như tế bào tạo máu, niêm mạc ruột,…hóa trị có thể đi kèm các tác dụng phụ làm giảm chất lượng sống.

Vì ung thư giai đoạn muộn là một bệnh hiểm nghèo có tiên lượng sống không dài, ngoài tuổi tác, giới tính, giai đoạn bệnh, các bệnh đi kèm,…các bác sĩ nội khoa ung thư thường rất coi trọng các thông tin liên quan tới tổng trạng sức khỏe, qua ước lượng theo vùng tương tự như hình trên gọi là Performance Status (PS, tạm dịch là “Tình trạng phong độ”). Được đánh số từ 0 tới 4, PS lớn hơn 2 thường ám chỉ “phong độ kém”, hay bệnh đã vào vùng màu vàng hoặc màu cam trong hình.

Nếu phong độ vẫn còn tốt và hóa trị có tác dụng thật sự, thời gian sống ổn định với phong độ đó được kéo dài và việc điều trị có ý nghĩa cho bệnh nhân (đường màu xanh). Thời gian sống được cải thiện ngắn hay dài, có ý nghĩa thật sự hay không còn tùy vào từng ca bệnh và vào những điều mà bệnh nhân và người thân thực hiện hoặc cảm nhận từ cuộc sống.

Ngươc lại, nếu phong độ ban đầu đã kém thì việc hóa trị có kéo dài thời gian sống cũng rất khó cải thiện phong độ rõ rệt và giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nhiều bác sĩ cho rằng việc kéo dài thời gian sống trong vùng màu vàng hoặc màu cam, với nhiều triệu chứng như đau đớn, nôn/buồn nôn, chán ăn, suy nhược,…chỉ làm bệnh nhân phải chịu khổ lâu thêm và vì thế không khuyến khích hóa trị (đường màu tím). Vì tác dụng phụ do hóa trị dễ xảy ra hơn khi cơ thể đã suy yếu, hóa trị ở giai đoạn này ngược lại có thể làm giảm thời gian sống và đó cũng là một nguy cơ cần suy nghĩ (đường màu đỏ).

Xin nói thêm là ngay cả khi bắt đầu hóa trị với phong độ tốt, các tác dụng phụ của hóa trị có thể làm giảm phong độ dần dần hoặc đột ngột. Ngay cả khi hóa trị được bác sĩ nói “có tác dụng” nhưng bệnh nhân ăn không ngon, tê tay chân,…không sinh hoạt thoải mái thì có lẽ cái tác dụng đó vẫn chưa thực sự ý nghĩa. Vì mục tiêu cuối cùng là duy trì một cuộc sống với chất lượng khá tốt cho người bệnh, bệnh nhân và người thân cần bàn bạc với nhóm chăm sóc để thay đổi phương pháp điều trị, bao gồm cả việc ngừng hóa trị.

Chăm sóc giảm nhẹ: một lựa chọn song hành

Ngừng hoặc không hóa trị là một quyết định khó khăn. Nhiều bệnh nhân hoang mang và tuyệt vọng khi nghe bác sĩ nói rằng đã hết thuốc chữa. Thật ra, hóa trị không phải là tất cả. Nên nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của điều trị là để người bệnh sống thời gian còn lại ý nghĩa, dễ chịu mà hóa trị chỉ là MỘT TRONG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN để thực hiện điều đó.  Không dùng hóa trị lại có thể là một lựa chọn khôn ngoan, khi hiệu quả không còn cao mà nguy cơ đi kèm có thể làm tình hình tệ đi. Không tiếp tục hóa trị cũng có thể là một quyết định kịp thời để bệnh nhân không phải chịu thêm tác dụng phụ và có thời gian sống thoải mái cùng những người thân yêu. Vài người cho rằng việc dành chi phí hóa trị để tổ chức một vài sự kiện đặc biệt cùng người thân và bạn bè có khi lại ý nghĩa hơn…

Một trong những cách giúp bệnh nhân bớt thấy hụt hẫng và an lòng là nói chuyện lại về mục tiêu điều trị, giải thích về chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) và đảm bảo sự tiếp tục quan tâm. Chăm sóc giảm nhẹ là việc sử dụng nhiều loại thuốc và phương pháp khác nhau để giúp bệnh nhân dễ chịu và duy trì chất lượng cuộc sống. Ngoài việc chữa trị những vấn đề về thể chất như đau, buồn nôn, mệt mỏi,…CSGN còn tập trung vào việc hỗ trợ các nhu cầu về tình cảm, tinh thần của bệnh nhân và người thân.

Điều trị ung thư và chăm sóc giảm nhẹ

Như minh họa ở hình 2, khác với mô hình cũ cho rằng CSGN chỉ bắt đầu sau khi kết thúc việc điều trị ung thư, quan niệm mới cho rằng CSGN cần bắt đầu sớm hơn, từ khi có nghi ngờ ung thư và tiến hành song song suốt quá trình điều trị để giúp bệnh nhân thoải mái nhất có thể. CSGN đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị ung thư mà tỉ trọng của nó có thể thay đổi theo từng thời điểm và tình trạng bệnh.

Bằng việc cân nhắc rằng ý nghĩa của cuộc sống không nằm trong thời gian sống mà ở những việc làm được cùng những người xung quanh, mong rằng bệnh nhân ung thư có thể hiểu thêm và chấp nhận lối suy nghĩ mới trong điều trị. Ngừng hóa trị không phải là kết thúc tất cả mà vẫn còn các chọn lựa điều trị khác bao gồm CSGN. Hãy tìm hiểu về CSGN và luôn đặt nó lên bàn cân để cùng đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Ghi chú

  1. “Khi phong độ kém thì không nên hóa trị”; nguyên tắc chung là vậy nhưng vẫn có những ngoại lệ, xảy ra phổ biến hơn khi dùng một số thuốc nhắm đích hay liệu pháp miễn dịch mới xuất hiện trong những năm gần đây. Một số ca bệnh đã được báo cáo là nằm liệt giường rồi nhưng hồi phục thần kỳ và đi làm lại được (!) nhờ dùng Immune checkpoint inhibitors như Pembrolizumab hay Nivolumab. Chính vì sự bất định và phức tạp trong tiên lượng kết quả điều trị ung thư, bệnh nhân cần được tư vấn và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa ung thư để có một cái nhìn tổng thể và chọn lựa sáng suốt sau khi cân nhắc các đặc điểm của bản thân.
  2. Dự án Y học cộng đồng sắp hoàn thành loạt bài viết trong chủ đề Chăm sóc giảm nhẹ mong được giới thiệu đến bạn đọc: https://yhoccongdong.com/chude/cham-soc-giam-nhe-trong-ung-thu/