Thứ Tư , 1 Tháng Năm 2024
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa 10 mẹo khuyến khích hành vi tốt mà bạn mong muốn ở con (trẻ 1 – 8 tuổi)

10 mẹo khuyến khích hành vi tốt mà bạn mong muốn ở con (trẻ 1 – 8 tuổi)

Bài viết thứ 11 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Con trẻ là bản sao của bạn

Nên nhớ, con trẻ là bản sao của bạn. Bạn làm gì, trẻ sẽ bắt chước làm theo. Vì vậy, nên sử dụng hành vi của chính mình để hướng dẫn con, và sự thật là, hành động của bạn có giá trị hơn lời bạn giảng dạy con rất nhiều! Nếu bạn muốn con nói “xin lỗi”, bạn cũng phải nói vậy. Nếu bạn muốn con không to tiếng, bạn là người nên kiểm soát giọng nói và nói nhỏ nhẹ với con, cũng như với người khác, nhé!

Nên cho trẻ biết cảm xúc của bạn!

Trẻ không dễ đoán cảm giác của bạn, và không thể đồng cảm cho bạn,nếu bạn không nói cho trẻ biết. Từ 3 tuổi trở lên, trẻ đã có khả năng đồng cảm rồi. Ví dụ, nếu trẻ làm điều gì đó làm bạn buồn, nên nói với trẻ “Điều con làm thế này làm mẹ rất buồn”, lúc đó, trẻ mới có cơ hội nhìn theo quan điểm của bạn được!

Khuyến khích khi trẻ làm điều tốt

Khi trẻ làm điều gì tốt, nên khen ngợi và khuyến khích trẻ ngay. Điều này giúp trẻ biết được đâu là điều nên làm, và có động lực để tiếp tục hành vi “tốt” đó. Nếu được, nên cân bằng giữa lời khen và lời tiêu cực, tuy nhiên, “cân bằng” ở đây không phải là 1:1 đâu nha, mà là 6:1 – cứ 6 lời khen tích cực thì mới nên mắng mỏ 1 lời tiêu cực thôi nha! Nên nhớ, trẻ con rất “ma giáo”, mặc dù chúng không cố tình! Nếu thấy có lựa chọn để được bạn quan tâm, tích cực (làm bạn vui), hoặc tiêu cực (làm bạn bực mình la hét om sòm), thì “tụi nó” sẽ thích chọn cách để bạn điên tiết lên hơn, vì điều đó “thú vị” hơn nhiều!

Khen trẻ một cách “ngang tầm”

Đừng đứng nhìn xuống mà nói chuyện hay khen ngợi trẻ, rất trịch thượng khi làm như vậy. Cách tốt nhất để “lấy lòng” trẻ là khen trẻ một cách “ngang tầm”, ngồi xuống, hoặc niễng gối, để bạn “ngang hàng” với trẻ. Điều này làm trẻ thấy thoải mái, đồng thời giúp trẻ chú ý đến những lời bạn muốn nói một cách tự nguyện hơn.

Lắng nghe tích cực

Trẻ thường gặp khó khăn trong việc diễn giải những gì trẻ muốn nói ra cho bạn, trẻ càng nhỏ, càng dễ cảm thấy nản lòng và ít tự tin, và việc bạn không thèm chú ý lắng nghe càng cho trẻ thấy trẻ không nên nói chuyện với bạn! Nếu được, khi nghe trẻ nói, nhìn về phía trẻ, và tập trung cho trẻ biết bạn đang chú ý lắng nghe. Bạn có thể lặp lại những gì bạn ghi nhận được cho trẻ nghe, điều này sẽ làm trẻ rất thoải mái, và thấy được tôn trọng, và sẽ tự tin hơn để nói chuyện thêm với bạn.

Nên giữ lời!

Khi bạn hứa gì với trẻ, nên giữ lời hứa mà ráng thực hiện. Sự tin tưởng của trẻ đối với bạn bắt đầu từ việc bạn có giữ lời hứa hay không.

Bình tĩnh khi “đương đầu” với trẻ

Khi bạn muốn “đương đầu” với trẻ chuyện gì, suy nghĩ 7 lần xem có thật sự “đáng” để có sự đối đầu này hay không nhé! Những chuyện nhỏ nhặt, lặt vặt, như việc trẻ cười đùa lớn tiếng, chạy giỡn tạo tiếng ồn khi vui chơi, mà bạn cảm thấy khó chịu, và muốn trẻ im lặng trật tự suốt ngày, nên xem mình trước xem mình có quá đáng hay không, có tôn trọng trẻ hay không, trước khi nhảy ra kêu “con ngưng chạy ngay đi, ồn quá”, “con giữ im lặng liền đi”. Nếu thật sự bạn cảm thấy mệt mỏi thật sự, nên bình tĩnh nói với con “con đánh trống hơi ồn, làm mẹ nhức đầu quá, con chơi trò khác đi nha”, thay vì nói “cái thằng này, lúc nào cũng ồn ào”, rồi giật phăng cây đánh trống ra khỏi tay của trẻ!

Không nên thỏa hiệp khi trẻ mè nheo!

Khi bạn nói “không”, có nghĩa là “CHẮC CHẮN KHÔNG”, chứ không có nghĩa là “có thể có”, hoặc “ok có” sau 5, 10, 15 phút mè nheo của trẻ! Việc thỏa hiệp không giúp bạn, mà còn tập cho trẻ biết nên kiên trì mè nheo để được theo ý của mình, và trở thành một thói quen xấu của trẻ, vì trẻ biết sẽ có “cơ hội” chuyển ý của bạn mà!!! Về sau này, việc luyện tập này sẽ giúp cho trẻ trở thành một con người điều độ và lịch sự, chứ không trở thành một con người vô lý, không bao giờ chấp nhận kết quả xảy ra!

Chỉ dẫn đơn giản, dễ hiểu và tích cực cho trẻ

Khi đưa ra chỉ dẫn nào cho trẻ, nên nói đơn giản, dễ hiểu và tích cực, để trẻ cảm thấy thoải mái và tích cực làm theo. Thay vì nói “đừng có mở vòi nước hoài”, bạn nên nói “con tắt vòi nước cho mẹ”; thay vì nói “Đừng bỏ đồ chơi lung tung” hãy nói “Con nhớ cất đồ chơi gọn gàng cho mẹ nhé”. Bằng cách nói này, trẻ sẽ không phải nghĩ “ngược lại”, và vì vậy, dễ tiếp nhận thông tin mà bạn đưa ra một cách trực tiếp nhất.

Cho trẻ cơ hội chịu trách nhiệm về hành vi của mình!

Đừng chạy theo sửa lỗi cho trẻ! Khi trẻ càng lớn, bạn nên thoải mái cho trẻ nhiều trách nhiệm hơn. Đừng quá bảo bọc con nếu bạn muốn con trở thành một người tự lập, không dựa dẫm, và hoàn toàn nhận thức được nguyên nhân-hậu quả để tự cải thiện mình. Nếu trẻ lỡ quên mang chai nước đi học, đừng hộc tốc chạy tới trường để đưa chai nước cho con, cứ để trẻ khát khi quên mang chai nước, vì đây là hậu quả của việc quên của trẻ. Trẻ sẽ tự rút kinh nghiệm để không để mình khát nước lần sau. Nếu trẻ quên mang viết, thước tới trường, cứ để trẻ bị cô la, hoặc chịu trận vì không mang viết thước, đảm bảo trẻ sẽ tự ghi nhớ điều này để không quên nữa! Đôi khi, nếu trẻ phàn nàn, bạn cần giải thích cho trẻ biết đây là hậu quả mà trẻ tự gây ra, để trẻ còn nhận thức được, và biết tự chịu trách nhiệm hành vi của chính mình!

Xem thêm bài Rèn luyện thói quen và hành vi cho trẻ ngay từ nhỏ

Tài liệu tham khảo

1. Encouraging good behaviours; Raising children network, Australia.
2. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/169145746805822