Thứ Tư , 1 Tháng Năm 2024
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Cai bú mẹ cho con

Cai bú mẹ cho con

Bài viết thứ 13 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Đại cương

Cai bú mẹ

Cai bú mẹ là một chuyện tự nhiên xảy ra, không sớm thì muộn. Đối với những trẻ mẹ có điều kiện cho bú mẹ liên tục, người ta thấy gần như tất cả đều sẽ “tự cai” dần sau 6 tháng tuổi, khi trẻ bắt đầu được ăn dặm và bắt đầu có hứng thú tìm hiểu, thí nghiệm các loại thức ăn mùi vị, tính chất khác nhau, ngoài sữa mẹ! Đối với những trẻ thích bú mẹ lâu dài, các trẻ này cũng thường tự cai bú mẹ trong khoảng thời gian 2 tuổi đến 4 tuổi.

Nguyên nhân cai bú mẹ bán phần

Một số bà mẹ cho con bú mẹ trong những tháng đầu tiên, có thể có những hoàn cảnh về công việc, gia đình, làm cho việc sắp xếp thời gian cho con bú mẹ trực tiếp hoàn toàn trong ngày trở nên khó khăn. Vì vậy, có thể nghĩ đến việc cai bú mẹ cho con “bán phần”, có nghĩa là mẹ giảm số cữ cho con bú mẹ trực tiếp lại, và thay thế bằng những cữ bú bình – nhưng cũng bằng sữa mẹ vắt ra.

Nguyên nhân cai bú mẹ toàn phần

Một số bà mẹ, vì một số lý do cá nhân, cảm thấy muốn ngưng cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, và chuyển sang sữa công thức, hay sữa tươi tiệt trùng thanh trùng (sau 1 tuổi) cho trẻ uống/bú. Đây dĩ nhiên không phải là một lựa chọn lý tưởng cho trẻ, đặc biệt trong 6 tháng – 1 năm đầu đời của trẻ, vì lúc này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng có giá trị vượt trội và có tính chất bảo vệ phát triển, tăng trưởng của các hệ cơ quan của bé một cách tối ưu nhất! Nhưng vì là một quyết định cá nhân của mẹ, nên vẫn cần được tôn trọng và hỗ trợ. Trong trường hợp này, người ta gọi đây là quá trình cai bú mẹ “hoàn toàn”.

Dù là cai bú mẹ bán phần hay toàn phần, thì điều quan trọng đầu tiên nên biết, là không nên làm quá nhanh và đột ngột. Thay vì vậy, nên lên kế hoạch cai bú mẹ từ từ, trong khoảng thời gian vài tuần, hoặc vài tháng, tùy theo từng trường hợp.

Cai bú mẹ “bán phần”

Đối với việc cai bú mẹ “bán phần”- điều quan trọng là tập cho con uống sữa mẹ bằng bình, hoặc nếu được, bằng ly. Trẻ sau 6 tháng tuổi có thể đủ khả năng để tập cho trẻ uống nước và sữa bằng ly có vòi nút (ví dụ như sippy cup). Nếu bạn muốn cho con uống sữa mẹ bằng bình, nên nhớ là sau đó, bạn lại phải cai bình sữa cho con, để tập cho con uống sữa bằng ly! Vì vậy, lý tưởng nhất là, nên đi đường tắt một xíu, mạnh dạn thử cho con uống sữa qua sippy cup trước, nếu thành công là bạn tiện đủ đôi đường!

Cai bú mẹ “toàn phần”

Đối với việc cai bú mẹ “toàn phần”, có một số điều bạn cần phải xem xét trước nhé!

Điều thứ nhất là, nên đặt lại câu hỏi: Có thật sự cần thiết hay không?

Nếu bạn vì lý do cân nặng của con không tăng tốt, hoặc vì áp lực gia đình nội ngoại, hay vì có người bàn ra tán vào, hoặc bạn so sánh với con cái và gia đình người khác – nên nghĩ kĩ lại lần thứ 2, và đọc lại bài “Sữa mẹ number one” nhiều lần vào nhé! Nếu bạn vì lý do đang uống thuốc điều trị bệnh, và sợ có hại cho con mình – nên thảo luận trực tiếp với bác sĩ điều trị, và tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi tiến hành, vì thật sự là, chỉ có rất ít trường hợp thuốc uống của mẹ can thiệp đến việc tiếp tục cho con bú!

Lựa chọn thời điểm phù hợp

Nếu bạn vẫn muốn cai bú mẹ “toàn phần” cho con, nên xem xét lại thời điểm sao cho phù hợp nhất.
Đối với những gia đình có tiền sử dị ứng, chàm da, suyễn ở ba mẹ, hoặc anh chị em của trẻ, mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn tối thiểu trong 6 tháng đầu đời. Vì nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có thể giảm nguy cơ, hoặc làm chậm phát triển các thể dị ứng ở trẻ, như chàm da, dị ứng thức ăn, dị ứng đạm sữa bò, cũng như các triệu chứng khò khè ở trẻ nhỏ.
Nếu gia đình đang có chuyện lộn xộn, và có thay đổi lớn, hoặc đang có chuyện căng thẳng nhiều, bạn càng không nên cho con cai bú mẹ. Ở thời điểm mà hai mẹ con đang stress, hoặc đang phải “vật lộn” với những thay đổi lớn trong gia đình, việc cai bú mẹ, nếu thực hiện cùng thời điểm, sẽ dễ dàng thất bại, và có thể gây thêm căng thẳng, muộn phiền cho cả mẹ và trẻ một cách không cần thiết.
Bạn cũng không nên bắt đầu cai bú mẹ khi con đang bệnh. Khi trẻ bệnh, là lúc trẻ cần sữa mẹ một cách thiết thực hơn, để bảo vệ thêm cho trẻ, về mặt dưỡng chất, lẫn miễn dịch, lẫn tình cảm (ôm ấp, vuốt ve). Việc cai bú mẹ trong thời điểm này, không những không tốt cho trẻ về mặt bệnh tật, mà còn có thể gây thêm stress cho trẻ khi phải để tâm, và cố gắng điều chỉnh với những thử thách mới về thức ăn và cách cho ăn.
Việc cai bú mẹ cho con trẻ, bán phần, hay toàn phần, vì vậy, chỉ nên bắt đầu ở những thời điểm, hoàn cảnh thuận lợi: khi con người (cả mẹ và bé) đều vui vẻ, đều khỏe mạnh, và đều không bị căng thẳng, để có thể giúp cho quá trình cai sữa được thuận lợi và trôi chảy cho cả hai mẹ con.

Một số lưu ý nhỏ khi tiến hành

Khi bắt đầu tiến hành, như đã nói ở trên, nên tiến hành một cách từ tốn và linh động. Nhiều bà mẹ phạm sai lầm, là khi muốn cai sữa hoàn toàn, là làm một cái đùng. Hôm nay còn đang cho bú mẹ hoàn toàn, ngày mai tự dưng cắt cái rụp, cho bú bình hoàn toàn. Có mẹ còn “trốn” con suốt 3 ngày 3 đêm, để con cho ba hay ông bà trông, đè ra cho bú bình. Con thì thẫn thờ tổn thương sâu sắc vì y như bị thất tình đột ngột – tình yêu lớn (cả mẹ và bầu vú mẹ) tự dưng không một lời chia tay, không một dấu hiệu báo trước, biến mất khỏi cuộc đời! Ở nhà gào thét kêu la inh ỏi, tốn bao nhiêu nước mắt, vừa đau trong lòng, sợ hãi trong tim, vừa đói bụng ơi là đói bụng, lại còn bị vật ra ép bú bình, thê lương không biết kể đâu cho hết! Mẹ thì trốn nhui trốn nhủi mà trong lòng đau như cắt, khóc lóc trong bụng, vì nhớ con, vì có lỗi với con, nhưng cũng cắn răng bấm bụng vì phải “cứng lòng” mới “thành đại sự”. Chưa kể mẹ còn bị “trừng phạt” vì cái tội quá phũ phàng, dứt tình không khoan nhượng kia! Hai cái bầu vú nó đầy sữa mà không được dùng, nó cứng ngắc lên, đau nhức thấu trời, đau xuyên tim, xuyên đầu, không ngủ được, cũng không làm gì được vì đau quá! Nếu không bị nhiễm trùng tuyến vú, tạo áp xe, mưng mủ bên trong, phải vô bệnh viện uống thuốc hoặc chích kháng sinh mấy ngày là còn rất may cơ đấy! Thế là quá trình cai sữa trở thành một nỗi ám ảnh triền miên cho cả con và mẹ! Thật sự có đáng gì không?!

Rất là không đáng nhé! Vì vậy, nên từ tốn, làm sao cho cả hai người có thể “chia tay” nhau trong vui vẻ! Bạn nên bắt đầu cai bú mẹ ở cữ bú ít được ưa thích nhất của con – cữ bú giữa ngày! Bắt đầu cho uống sữa bằng ly hoặc bú bình ở cữ bú giữa ngày (buổi trưa), lựa lúc trẻ không quá đói (trước giờ cho bú thường ngày một chút), và nếu được, nhờ người khác cho bú bình dùm, vì bé có thể chấp nhận dễ dàng hơn! Bạn nên cai một cữ bú mẹ trực tiếp trong vài ngày (tối thiểu là 3 – 4 ngày), để bé có thể theo kịp tiến độ, và để “bình sữa mẹ” không bị căng quá mức, có thời gian ghi nhận tín hiệu và điều chỉnh giảm lại tốc độ sản xuất sữa mẹ, giảm thiểu khó chịu và biến chứng cho bạn trong quá trình cai bú. Sau 3 – 4 ngày, thấy ổn, tiếp tục giảm thêm 1 cữ bú kế tiếp nữa, cho con. Và tiếp tục từ từ, để chừa hai cữ: cữ bú đầu tiên vào buổi sáng khi bé thức dậy, và cữ bú cuối cùng vào buổi tối trước khi bé ngủ đêm, là hai cữ bú bạn nên cai cuối cùng – vì bé thích hai cữ bú này nhất đấy! Nếu trong thời gian cai cữ bú mẹ, mà trẻ lại bị bệnh, hoặc có xáo trộn trong gia đình nhiều, không nên cố gắng tiếp tục cai theo lịch, mà nên “dậm chân” lại một thời gian, đợi cho trẻ hết bệnh, hoặc căng thẳng đi qua, rồi tiếp tục giảm thêm cữ bú. Theo quy luật này, đối với một trẻ nhỏ bú mẹ khoảng 8 lần một ngày, bạn sẽ có thể cai bú mẹ hoàn toàn cho con trong vòng 3 tuần cho đến 1 tháng. Tuy chậm hơn phương pháp 3 ngày 3 đêm kể trên, nhưng đảm bảo bạn có thể nhớ về khoảng thời gian này một cách vui vẻ, bình tĩnh và có thể tự tin thực hiện lại lần nữa ở “tập sau” của bạn, khi bạn cần!

Một điều nên lưu ý là, nếu bạn quyết định cai bú mẹ cho con và thay bằng bú bình, nên chọn núm vú có lỗ thoát nhỏ nhất, để dòng sữa chảy ra chậm, và trẻ sẽ dễ chấp nhận hơn. Nếu lỗ thoát núm vú bình quá lớn, dòng sữa chảy ra nhanh, liên tục, có thể làm cho trẻ bị “ngợp” vì đã quen với dòng sữa từ từ của vú mẹ rồi. Vì vậy, trẻ có thể khó chịu và từ chối bú bình hơn.

Điều lưu ý cuối cùng, là, cho con bú mẹ là một biện pháp ngừa thai tự nhiên. Nếu bạn cai bú mẹ cho con hoàn toàn, và chuyển sang sữa công thức, thì biện pháp ngừa thai tự nhiên này cũng mất đi. Do đó, bạn nên xem xét sử dụng các biện pháp ngừa thai khác, nếu vẫn chưa có kế hoạch làm thêm “tập” nữa liền!

Tóm lại

  • Cai bú mẹ là một lựa chọn cá nhân, không nên bị tác động bởi các yếu tố, áp lực bên ngoài
  • Bú mẹ hoàn toàn trong tối thiểu 6 tháng đầu đời có một giá trị tuyệt vời cho sức khỏe, tình cảm của mẹ và bé, vì vậy nên được khuyến khích duy trì.
  • Nếu vẫn quyết định cai bú mẹ, có thể cai bú mẹ bán phần (cai bú trực tiếp từ mẹ, nhưng vẫn bú sữa mẹ qua bình hoặc ly), hoặc cai bú mẹ toàn phần (chuyển hẳn sang sữa công thức).
  • Khi cai bú mẹ, nên cai từ từ, và linh động điều chỉnh theo hoàn cảnh, tránh việc cai quá nhanh, đột ngột, hoặc cứng nhắc theo đúng lịch.
  • Mục tiêu cai bú mẹ đúng đắn, là làm quá trình cai bú mẹ suôn sẻ, vui vẻ, và giảm thiểu khó chịu, căng thẳng, cũng như biến chứng không đáng có ở mẹ và con.

Tài liệu tham khảo

  1. Weaning: stop breastfeeding; Raising children network, Australia, 2016.
  2. Weaning: tips for breast-feeding mothers; Infant and Toddler health; Mayo Clinic, America, 2016.
  3. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/442760106111050