Thứ Ba , 30 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Trẻ 6 – 12 tháng tuổi nên ăn gì cho đúng – Phần 2

Trẻ 6 – 12 tháng tuổi nên ăn gì cho đúng – Phần 2

Bài viết thứ 2 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Tổng quan

Khi bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm, cứ tưởng tượng như bạn phải chơi game, dắt một con heo con “cá tính” đi “tu” vậy! Con đường đi “tu thành chánh quả” hơi phức tạp, phải qua một đoạn đường bằng phẳng, lót xi măng êm ái (thức ăn xay tán nhuyễn), sau đó qua đoạn đường sỏi đá vụn (thức ăn bằm, cắt nhỏ), đến con đường đá cuội (thức ăn “ngón tay” – finger food), rồi sau đó mới lên núi “đắc đạo” được (ăn được thức ăn như cả nhà). Cái chính là, đoạn đường này dài hay ngắn, nhanh hay chậm, vất vả hay không vất vả, tùy thuộc vào cách bạn bắt bài con heo con, chịu khó “nghe” ý kiến con heo, và chịu “thử” nhảy vài bước tango với con heo nhỏ!

Những nguyên tắc cơ bản

Tin vui và đáng ngạc nhiên là, con đường sẽ khá suôn sẽ, và nhanh chóng nếu bạn biết “tủ” trước các đoạn đường để tự tin dắt mũi con heo con cho đúng hướng. Và đây là hướng dẫn nền mà bạn nên nằm lòng để thắng game nhanh chóng:

  • Từ 6 tháng tuổi đến 8 tháng tuổi, trẻ nên được bắt đầu cho ăn thức ăn nghiền nhuyễn, sau đó chuyển dần dần sang thức ăn tán nhuyễn, sang thức ăn bằm, và sang luôn thức ăn cắt nhỏ (NGẠC NHIÊN KHÔNG!!!)
  • Đến 8 tháng tuổi, đa số các trẻ nhũ nhi đã có thể ăn thức ăn “ngón tay” (finger food – có nghĩa là thức ăn kích thước lớn bằng ngón tay, trẻ tự cầm, đưa vào miệng để nhai được)
  • Đến 12 tháng – khi trẻ được thôi nôi, trẻ có thể tự lựa chọn các thức ăn dinh dưỡng trong bàn ăn bình thường của cả nhà, và nên ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau.

Việc cho trẻ thử nhiều loại thức ăn hình dạng, độ mềm khác nhau rất quan trọng cho phát triển vận động miệng của trẻ. Việc khuyến khích trẻ nhai cũng rất quan trọng. Người ta thấy rằng, trẻ trên 10 tháng tuổi mới được thử cho ăn thức ăn lợn cợn sẽ gặp nhiều vấn đề về cho ăn vào lúc 15 tháng tuổi, hơn là trẻ đã được cho ăn thức ăn lợn cợn trong khoảng từ 6 – 9 tháng tuổi. Và nên ghi nhớ, giai đoạn 6 – 9 tháng tuổi là giai đoạn tối quan trọng cho việc giới thiệu các loại thức ăn nhiều cấu trúc (mềm, đặc, lợn cợn….) cho trẻ, phòng tránh được những vấn đề cho ăn về sau!

Đối với trẻ từ 6 tháng đến 9 tháng

Đối với trẻ 6 – 9 tháng, đây là những khuyến cáo cho ăn:

  • Gạo, và các sản phẩm hạt khác: cho trẻ ăn tối đa 30 – 60 ml (2 – 4 muỗng tablespoon – thìa canh nhỏ) các loại ngũ cốc có bổ sung sắt, 2 lần một ngày. Sau đó thử các loại sản phẩm tinh bột khác, như là những miếng bánh mì mềm nhỏ.
  • Rau củ: cho trẻ ăn rau củ màu vàng, xanh hoặc cam, nấu chín, nghiền nhuyễn
  • Trái cây: cho trẻ ăn các loại trái cây nghiền nhuyễn, hoặc các loại trái cây chín tán nát (ví dụ chuối, xoài…)
  • Thịt và các loại thay thế: cho trẻ ăn các loại thịt, cá, gà, đậu phụ, được nấu chín, nghiền nhuyễn, các loại đậu, trứng, nấu mềm, tán nát.
  • Sữa và các sản phẩm của sữa: bạn có thể cho trẻ ăn các sản phẩm của sữa, như yaourt, phô mai – nhưng không nhiều lắm nhé. Lúc này vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, hoặc uống sữa công thức mà thôi.

Đối với trẻ từ 9 tháng đến 12 tháng

  • Gạo và các sản phẩm ngũ cốc khác: Cho ăn các loại ngũ cốc, bánh mì nguyên hạt, cơm, và các loại mì
  • Rau củ: chuyển từ rau củ nghiễn nhuyễn sang rau củ nấu mềm, tán nát.
  • Trái cây: thử cho trẻ ăn trái cây tươi, mềm, đã bóc vỏ, tách hạt, và các loại trái cây cắt nhỏ đóng hộp (không bỏ thêm đường).
  • Thịt và các loại thay thế: thử băm nhỏ hoặc cắt nhỏ những mẩu thịt, cá, gà…. cho trẻ nhai ăn.
  • Sữa và các sản phẩm của sữa: Lúc này, trẻ vẫn nên tiếp tục bú mẹ hoặc uống sữa công thức như cũ. Tiếp tục ăn các loại sản phẩm từ sữa như yaourt, phô mai. Bạn có thể cho trẻ uống chút sữa bò nguyên kem tiệt trùng, nhưng chỉ để “giới thiệu” cho bé mà thôi. Sau 12 tháng, trẻ mới nên chuyển hoàn toàn từ sữa công thức sang sữa bò nguyên kem tiệt trùng nhé!

Nên cho trẻ ăn bao nhiêu thì đủ?

Đây là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều cha mẹ, nhưng câu trả lời lại rất đơn giản: cứ theo “gợi ý” của bé để quyết định cho bé ăn bao nhiêu (nói thẳng ra là, con nó ăn bao nhiêu là tùy nó, không ép ăn theo kế hoạch nhé!).

Bắt đầu bằng cách cho trẻ ăn chỉ một hay hai thìa nhỏ thôi, đừng hấp tấp. Một số trẻ cần được thử nhiều lần một loại thức ăn trước khi chấp nhận vui vẻ ăn thức ăn này. Nếu trẻ không đói, trẻ sẽ quay đầu đi, và ngậm miệng lại.

Nếu trẻ đói, trẻ sẽ hào hứng với thức ăn và mở miệng ra mà “đớp” (Nghe đơn giản, nhưng đề nghị ba mẹ tâm niệm câu thần chú này nhé! CHỪNG NÀO CON ĐÓI CON SẼ ĂN THÔI!)

Điều quan trọng là, KHÔNG BAO GIỜ LỪA TRẺ, HOẶC ÉP TRẺ ĂN THÊM bằng cách cho trẻ chơi game, xem tivi, iphone, ipad, hoặc cho trẻ ăn đồ ăn ngọt!!! Trẻ ăn theo nhu cầu no đói sẽ ít có nguy cơ ăn quá nhiều, dư cân, béo phì, về sau.

Những thông tin cần ghi nhớ

Thông tin cho hôm nay tạm đủ, tóm lại là các bạn chỉ cần nhớ hai câu là được:

  • ĂN KHI ĐÓI, ĂN KHI ĐÓI, ĂN KHI ĐÓI, ĂN KHI ĐÓI!
  • ĐỪNG CHO CON TRẺ ĂN NHUYỄN SUỐT ĐỜI NỮA NHÉ! Con trẻ lên “level” ăn uống nhanh lắm đấy!

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/134581750262222
  2. Feeding your baby in the first year – Caring for Kids – Canadian Paediatric Society – Canada.
    Introducing solid foods – National health and medical research council – Australia.