Thứ Tư , 13 Tháng Ba 2024
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Một số điều nên biết khi sổ giun cho trẻ

Một số điều nên biết khi sổ giun cho trẻ

Bài viết thứ 12 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Bác sĩ ơi, trẻ em có cần sổ giun thường quy không ạ? Mấy tuổi thì trẻ có thể bắt đầu sổ giun, và cần uống liều như thế nào vậy ạ?

Đây là một câu hỏi rất hay, mang tính cộng đồng và thực tiễn rất nhiều.

Tại sao phải sổ giun?

Nhiễm giun sán là một trong những loại nhiễm trùng phổ biến nhất của các nước đang phát triển. Việt Nam ta là một trong những nước này. Khi bị nhiễm giun sán, người bệnh có thể bị ảnh hưởng rất nhiều, vì tình trạng này có thể gây tiêu chảy, biếng ăn, cũng như làm giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất từ đường ruột.

Một biến chứng nguy hiểm khác, là giun sán có thể gây chảy máu đường ruột rỉ rả, gây thiếu máu và thiếu sắt. Đối với trẻ em, nguy cơ lây nhiễm giun sán cao hơn người lớn, đồng thời khả năng bị ảnh hưởng từ tình trạng này cũng cao hơn, và nặng hơn. Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu thiếu sắt, biếng ăn... có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ một cách tiêu cực, lâu dài.

Vì vậy, tổ chức Y Tế Thế Giới WHO đã đưa ra khuyến cáo, thiết lập và duy trì hoạt động sổ giun thường quy cho trẻ em – trước tuổi đi học, và trong tuổi đi học, ở những nước có tỉ lệ nhiễm giun cao. Bên cạnh đó, là việc khuyến khích giữ gìn vệ sinh, rửa tay thường xuyên, đảm bảo nguồn thức ăn thức uống vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ này.

Tại Việt Nam, các loại giun đường ruột ở người như giun đũa, giun tóc, và giun móc rất phổ biến. Hoạt động phòng chống giun sán đã được đưa vào thực hiện được gần 10 năm. Tuy nhiên, theo thống kê của các Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng của cả nước, tỉ lệ nhiễm giun ở cả nước vẫn ở mức cao.

Thống kê chung cho thấy, tỉ lệ nhiễm giun sán trung bình ở người tại các vùng ở Việt Nam như sau:

  • Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: 65%
  • Đồng bằng sông Hồng: 41%
  • Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 26%
  • Tây Nguyên: 28%
  • Đông Nam Bộ: 13%
  • Đồng bằng sông Cửu Long: 10%

Trong đó, nhóm học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản là nhóm có tỉ lệ nhiễm cao.

Trẻ nhỏ 12 tháng – 24 tháng tuổi có tỉ lệ nhiễm giun cao. Một số tỉ lệ ví dụ là:

  • Quảng Trị: 27%-47.5%;
  • Điện Biên: 33.2%;
  • Kon Tum 22.6%;
  • Lai Châu 23.5%;
  • Yên Bái 19.2%.

Vì vậy, hiện nay, thông cáo mới nhất của Bộ Y Tế Việt Nam, vào ngày 19.5.2016 khuyến cáo chúng ta nên bắt đầu uống thuốc sổ giun thường quy cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.

Nên dùng thuốc gì để sổ giun cho trẻ

  • Ở trẻ 12 tháng – 24 tháng tuổi: sổ giun bằng thuốc Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg một liều duy nhất
  • Ở trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn: sổ giun bằng thuốc Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg một liều duy nhất

Thuốc có thể uống vào bất kì thời gian nào trong ngày, miễn uống là được. Đối với trẻ nhỏ chưa uống được thuốc viên, nên nghiền thuốc hòa tan vào nước rồi cho trẻ uống.

Bé nào đi học mẫu giáo nên hỏi trường có cho bé sổ giun chưa nhé!

Các mẹ cho con bú trên 1 tuổi vẫn được cho bé và mẹ uống sổ giun nhé.

Một số bạn hỏi về siro sổ giun nhiều loại, mình không biết sâu nên mình không khuyên được. Đơn giản là nên theo khuyến cáo trong nước đi cho phù hợp. Mua có 1,2 viên thuốc uống 1 – 2 lần trong năm, cho nó đơn giản nha.

Tần suất uống thuốc tẩy giun sẽ tùy thuộc vào tỉ lệ nhiễm giun ở từng vùng. Những vùng có tỉ lệ > 20%, nên tẩy giun mỗi 6 tháng một lần. Những vùng có tỉ lệ 10% – 20%, nên sổ giun mỗi năm 1 lần.

Một số lưu ý khi dùng thuốc sổ giun

Không nên uống thuốc sổ giun khi đang bị sốt, tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc, hoặc phụ nữ đang cho con bú hoặc đang mang thai 3 tháng đầu.

Trẻ dưới 1 tuổi không nên uống sổ giun thường quy, ngoại trừ nếu có chỉ định đặc biệt của bác sĩ. Những người có các bệnh mãn tính như tâm thần, suy thận, bệnh tim, bệnh gan, hoặc hen phế quản, nên tư vấn bác sĩ trước khi uống thuốc sổ giun này.

Bên cạnh đó, nên giữ gìn vệ sinh, ăn uống, và tập thói quen rửa tay cho gia đình và trẻ nhỏ.

Tài liệu tham khảo

  1. Deworming in children; World Health Organization – WHO; 8th November, 2016.
  2. Quyết định: Về việc ban hành hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng; Bộ Y Tế Việt Nam; 19.5.2016.
  3. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/336619006725161