Thứ Tư , 1 Tháng Năm 2024
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Con trẻ và thời gian ngồi trước màn hình

Con trẻ và thời gian ngồi trước màn hình

Bài viết thứ 89 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Khuyến cáo thời gian cho trẻ ngồi trước màn hình

Đây là khuyến cáo mà chúng ta nên biết để thực hiện hoặc hạn chế lại cho con
  • Trẻ nhũ nhi (0 – 24 tháng tuổi): 0 giờ – ze-rô!!!
  • Trẻ chập chững đi (2 tuổi – 3 tuổi): tối đa 1 giờ mỗi ngày.
  • Trẻ trên 3 tuổi: tối đa 2 giờ mỗi ngày.
Thời gian ngồi trước màn hình được định nghĩa là hoạt động của trẻ trước màn hình mở – Tivi, chơi vi tính, hoặc chơi game. Tại Mỹ, thống kê cho thấy đa số trẻ em bỏ khoảng 3 giờ ngồi trước màn hình TV, và khi tổng lại tất cả thời gian ngồi trước các loại màn hình (TV, vi tính, ipad, smart phone, vân vân), có thể lên đến 5 – 7 giờ mỗi ngày! Có nghĩa là, hơn ¼ thời gian trong ngày của trẻ được “đầu tư” vào hoạt động “ì” này!
  • Như vậy có hại không?
    • Câu trả lời là có, và đó là lý do của khuyến cáo tương đối trên!
  • Tại sao là tương đối?
    • Vì hoạt động này trở nên quá tràn lan, và khó có thể tìm thấy một bé nào mà không được đặt trước màn hình sau 2 tuổi. Vì vậy, nên đây là giá trị tham khảo để chúng ta có thể điều chỉnh lại cho con em mình.

Những tác hại khi trẻ ngồi trước màn hình quá nhiều hoặc quá sớm

Vậy, những tác hại của việc cho trẻ bỏ thời gian dán mắt vào màn hình quá nhiều hoặc quá sớm là gì?
  1. Làm cho trẻ khó ngủ về đêm hơn: vì trẻ có xu hướng xem TV ngay trước giờ đi ngủ, và vì vậy dễ bị tình trạng kích thích, khó tự dỗ ngủ hơn.
  2. Tăng nguy cơ trẻ bị khó khăn trong việc tập trung, đồng thời trẻ cũng có nguy cơ dễ bị các rối loạn tâm lýtrầm cảm về sau. Đây là một tác động mà người ta nghĩ rằng có thể do mối quan hệ bù trừ về thời gian và tương tác. Khi trẻ ngồi trước màn hình càng nhiều, thời gian tương tác trong đời thực của trẻ với những người quan trọng như ba mẹ, ông bà, bạn bè, càng ít đi. Thời gian chơi đùa, hoạt động thể lực cần thiết cho phát triển “thật” của trẻ cũng vì vậy mà bị hạn chế. Về lâu dài, trẻ và ba mẹ sẽ hình thành một mối quan hệ ít thiên về “trao đổi yêu thương, và xây dựng chất keo gắn bó tình cảm” mà lại thiên về “làm sao cho trẻ “im miệng lại”, làm sao cho cả hai bên yên ổn và ít đụng chạm đến nhau hơn”. Mối quan hệ mật thiết bỗng trở thành lệch lạc khi hai bên trở thành “gánh nặng” và “phiền toái” của nhau, và vì vậy, dẫn đến lệch lạc trong xây dựng các mối quan hệ tin tưởng mà trẻ có thể dựa dẫm vào để phát triển tình cảm và sinh lý lâu dài!
  3. Tăng nguy cơ thừa cân và béo phì: vì đây là một hoạt động hoàn toàn “ì” và không yêu cầu vận động cơ thể. Người ta thấy rằng, trẻ có xu hướng ăn nhiều hơn, và ăn vặt nhiều hơn khi ngồi trước màn hình. Thống kê cũng cho thấy rằng, trong một năm, trung bình mỗi trẻ sẽ xem khoảng 20,000 quảng cáo trên Tivi, trong đó 2/3 các quảng cáo này là về các loại thức ăn, thức uống nhiều đường, các loại thức ăn nhanh, giàu năng lượng, các loại fastfoods, khuyến khích trẻ đòi ba mẹ mua, và khuyến khích trẻ tăng tiêu thụ các loại thức ăn không lành mạnh này. Nghiên cứu xác nhận rằng, việc cho trẻ xem TV từ quá sớm ảnh hưởng đến tăng chỉ số khối lượng cơ thể BMI, và tăng xu hướng thừa cân khi trẻ trưởng thành.
  4. Thời gian ngồi trước màn hình “đánh cắp” đi những hoạt động sáng tạo của trẻ – rất cần thiết cho tăng trưởng tích cực của trẻ về trí tuệ, thể chất, và xã hội, đặc biệt ở những năm đầu đời. Người ta thấy rằng, trẻ xem Tivi nhiều thường chỉ biết “bắt chước” những gì trẻ thấy trên màn hình, thay vì tự sáng tạo các tình huống bằng khả năng tưởng tượng của mình. Đồng thời, những trẻ này lại không thích thú vào những trò chơi đòi hỏi tự tưởng tượng và sáng tạo – vì trẻ đã quen nhồi nhét bị động rồi!
  5. Thời gian ngồi trước màn hình ảnh hưởng đến phát triển não bộ ở trẻ nhỏ, cũng như khả năng học hành ở trẻ lớn hơn. Mặc dù rất nhiều chương trình TV, vi tính, được gắn mác “giáo dục”, nhưng chưa thấy có hiệu quả nào được minh chứng ở trẻ dưới 2 tuổi. Khi trẻ xem TV quá nhiều từ quá nhỏ, ba mẹ trẻ thường ít đọc sách cho trẻ, trẻ cũng có xu hướng không thích đọc, và ít khi đọc sách hơn. Trẻ lớn hơn thì lại giảm thời gian tự đọc và tìm hiểu thông tin, không tích cực tham gia những hoạt động ngoại khóa, và ít ngủ đủ hơn trẻ xem ít Tivi, vi tính. Một nghiên cứu cho thấy, xem tivi nhiều ở thời niên thiếu có liên quan đến việc tăng nguy cơ nghỉ học sớm, và giảm cơ hội vào đại học ở trẻ.
  6. Ngồi trước màn hình nhiều tăng hoạt động bạo lực ở trẻ nhỏ, và khi trẻ trưởng thành. Thống kê cho thấy, khi một trẻ đến 18 tuổi, trẻ đã bị xem trung bình khoảng 20,000 hành động bạo lực, và 16,000 vụ giết người trên phim ảnh, Tivi. Một điều đáng ngạc nhiên và đáng suy ngẫm, là, những chương trình được thiết kế dành cho trẻ em lại thường có nhiều bạo lực hơn là những chương trình dành cho người lớn. Trong khi đó, trẻ dưới 8 tuổi thường không thể tách biệt giữa những gì không thực và “thực tế”, và vì vậy, trẻ dễ thực hành những hành động bạo lực mà trẻ thấy trên màn hình. Việc xem bạo lực thường xuyên cũng làm cho trẻ “lờn”, giảm cảm giác ghê sợ đối với thương tích của đồng loại trong đời thật. Hai nghiên cứu được thực hiện trong vòng 15 năm cho thấy trẻ xem nhiều bạo lực lúc nhỏ có xu hướng thực hiện các hành động hung hăng, bạo lực nhiều hơn khi trẻ trở thành người lớn.
Hãy đọc và suy ngẫm! Sau đó đọc lại, và suy ngẫm lại!!!

Tài liệu tham khảo

  1. Screen time and Children – MedlinePlus – National Institutes of health – US National Library of Medicine, USA.
  2. Screentime and children – Arkansas Children’s Hospital, USA.
  3. Paediatrics perspectives: Mobile and Interactive media use by young children: the good, the bad, and the unknown; Radesky J.S, etal; Paediatrics; 2015.
  4. https://www.facebook.com/notes/trần-thị-huyên-thảo/con-trẻ-và-thời-gian-ngồi-trước-màn-hình-phần-1/109964939390570/